Chức năng nhiệm vụ

 Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Căn cứ Quy định số 219-QĐ/TW, ngày 27/12/2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Thành ủy;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Tỉnh ủy Trà Vinh khóa IX;

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan Ban Dân vận Tỉnh ủy như sau:

       Điều 1: Chức năng.

Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy về công tác dân vận (bao gồm cả công tác dân tộc, tôn giáo).
Điều 2: Nhiệm vụ.
1/- Nghiên cứu, đề xuất:
a)- Những chủ trương, giải pháp về công tác dân vận của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chủ trì hoặc tham gia chuẩn bị nghị quyết Đại hội, các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, chương trình công tác dân vận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
b)- Tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
c)- Theo dõi, tổng hợp tình hình nhân dân (bao gồm cả tình hình dân tộc, tôn giáo, các giai tầng xã hội, các vấn đề bức xúc trong nhân dân) để báo cáo và tham mưu với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
d)-  Sơ kết, tổng kết về công tác dân vận.
2/- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát:
a)- Việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng về công tác dân vận.
b)-  Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhân dân nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng trong nhân dân và phong trào quần chúng để kịp thời báo cáo, tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo tốt công tác dân vận và xử lý những vấn đề mới phát sinh.
c)- Hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân vận cho cấp ủy và cán bộ làm công tác dân vận của các cấp trong Đảng bộ tỉnh.
d)- Tham gia ý kiến với các cơ quan chính quyền trong việc thể chế hóa nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng về công tác dân vận; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
3/- Phối hợp:
a)- Với Ban Tổ chức Tỉnh ủy trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động của Ban Dân vận Tỉnh ủy. Tham gia ý kiến về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ trong khối và cán bộ dân vận cấp ủy trực thuộc theo phân cấp quản lý.
b)- Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan trong các hoạt động chung về công tác dân vận; công tác nghiên cứu, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng, thông tin... về công tác dân vận ở địa phương.
c)- Với Mặt trận Tổ quốc tỉnh để vận động nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và chức sắc trong tôn giáo.
d)- Với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng tỉnh tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
4/- Thẩm định, thẩm tra:
a)- Các đề án, văn bản về công tác dân vận trước khi trình Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
b)- Tham gia thẩm định các đề án, dự án thuộc lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh... có liên quan mật thiết đến công tác dân vận; các đề án, dự án có liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân và công tác dân vận của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.
5/- Thực hiện một số nhiệm vụ do Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy giao:
a)- Giúp cấp ủy nắm tình hình và tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng ở địa phương.
b)-  Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Vận động, tuyên truyền xây dựng Nông thôn mới, Ban Chỉ đạo công tác dân tộc, tôn giáo tỉnh; nắm tình hình và tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo hoạt động công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước ở địa phương; hoạt động vận động tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực phong trào thi đua "Trà Vinh cùng cả nước chung tay xây dựng Nông thôn mới"; nắm tình hình và chủ động phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng về dân tộc, tôn giáo.
c)- Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Trung ương theo quy định.
d)- Thực hiện những công việc khác do Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao.
Điều 3: Tổ chức bộ máy, biên chế và tiêu chuẩn, cơ cấu cán bộ, công chức.
1/- Lãnh đạo Ban: 
Gồm 04 đồng chí: 01 Trưởng Ban và 03 Phó trưởng Ban. 
2/- Các đơn vị trực thuộc:
- Văn phòng.
- Phòng Đoàn thể và các hội.
- Phòng Dân vận các cơ quan Nhà nước.
- Phòng Dân tộc và Tôn giáo.
3/- Biên chế:
Biên chế chung từ 18 - 21 cán bộ, công chức; trước mắt bố trí 18 cán bộ, công chức; khi Ban Tổ chức Trung ương bổ sung biên chế cho tỉnh, sẽ bố trí tăng thêm cho đủ 21 biên chế.
4/- Về tiêu chuẩn chức danh và cơ cấu cán bộ, công chức:
Ban Dân vận Tỉnh ủy xác định tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm cơ cấu cán bộ, công chức hợp lý để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, thể hiện rõ trong Quy chế làm việc của Ban Dân vận Tỉnh ủy, theo tinh thần gắn tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, tăng kiêm nhiệm và có tối thiểu từ 80% biên chế trở lên làm công tác chuyên môn tham mưu, tổng hợp.
Điều 4: Mối quan hệ công tác.
1/- Quan hệ với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Dân vận Trung ương:
- Ban Dân vận Tỉnh ủy chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo về mọi mặt của Tỉnh ủy, trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy; thực hiện chế độ báo cáo, tham mưu đề xuất các vấn đề thuộc trách nhiệm của lĩnh vực được phân công với Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy.
- Định kỳ báo cáo, thống kê cơ bản về nhiệm vụ công tác với Ban Dân vận Trung ương; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Dân vận Trung ương theo quy định.
2/- Quan hệ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh:
Quan hệ giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh là quan hệ phối hợp:
- Trong phạm vi lĩnh vực công tác, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy.
- Phối hợp nghiên cứu, hướng dẫn triển khai nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận và kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được Tỉnh ủy giao.
3/- Quan hệ với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh:
Quan hệ giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh là quan hệ phối hợp:
- Khi triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu có gắn với công tác quản lý Nhà nước, Ban Dân vận Tỉnh ủy có trách nhiệm phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, các cơ quan Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện, hỗ trợ lẫn nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh bàn chủ trương, quyết định, chính sách, chế độ… có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của Ban Dân vận Tỉnh ủy thì đại diện Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy được mời dự, tham gia ý kiến. Những nội dung cần thiết, Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy có trách nhiệm làm việc trực tiếp với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để phối hợp thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên.
4/- Quan hệ với cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy và Ban Dân vận các Huyện ủy, Thành ủy:
- Quan hệ giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy là quan hệ phối hợp, trao đổi, hướng dẫn, góp ý trong thực hiện về công tác chuyên môn, công tác tổ chức và cán bộ theo phân cấp.
- Quan hệ giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Ban Dân vận các Huyện ủy, Thành ủy là quan hệ hướng dẫn, kiểm tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công về chuyên môn, nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Điều 5: Điều khoản thi hành.
- Ban Dân vận Tỉnh ủy có con dấu riêng và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh.
- Căn cứ Quy định này, Ban Dân vận Tỉnh ủy có trách nhiệm cụ thể hóa thành Quy chế làm việc của Ban Dân vận Tỉnh ủy, xác định chức năng, nhiệm vụ các phòng trực thuộc và phân công vị trí việc làm của cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức chuyên môn, đảm bảo hoạt động có hiệu quả thiết thực, hoàn thành chức trách nhiệm vụ do Tỉnh ủy giao; hướng dẫn Ban Dân vận các Huyện ủy, Thành ủy xây dựng Quy chế làm việc phù hợp.
- Giao Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cấp ủy, tổ chức Đảng, các địa phương và cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện theo tinh thần Quy định này. Quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề cần sửa đổi, bổ sung thì chủ động trao đổi với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và kịp thời báo cáo, đề xuất với Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
- Quy định này thay thế Quy chế làm việc của Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành kèm theo Quyết định số 1052-QĐ/TU, ngày 07/5/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa VIII); có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 791
  • Tất cả: 203,116