Huyện Càng Long tổng kết phong trào thi đua "Dân vận khéo" năm 2017
Ngày 13 tháng 10 năm 2017, Ban Dân vận Huyện ủy Càng Long tổ chức tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2017. Đây là hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2017, phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2018 trên địa bàn huyện Càng Long. Đánh giá tình hình triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2017 của huyện đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Hội nghị tổng kết phong trào thi đua "Dân vận khéo" năm 2017 tại huyện Càng Long


Công tác vận động quần chúng của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong năm 2017 được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về  “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào hành động cách mạng ở địa phương như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, các chương trình hỗ trợ chính sách đảm bảo an sinh xã hội, công tác xóa nghèo bền vững. Được sự quan tâm phối hợp của các ngành, đầu tư hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn và các chương trình phúc lợi xã hội, góp phần phát triển kinh tế ổn định. Tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện ủy, Nghị quyết năm 2017 của Đảng bộ các cấp, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 5 (khóa XII) và Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, từ đó đã tạo tiền đề cho cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể đã có nhiều chủ trương đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đã tạo được sự chuyển biến sâu rộng trong nhận thức các tầng lớp Nhân dân và doanh nghiệp, tạo tiền đề thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị trong thời gian qua.

Ban Chỉ đạo các cấp triển khai, quán triệt tổ chức thực hiện trong cán bộ, đảng viên, hội viên, các đoàn thể và Nhân dân được 218 cuộc, có 11.218 đại biểu dự. Thường trực Ban Chỉ đạo huyện có xây dựng kế hoạch chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức hội nghị lồng ghép sơ, tổng kết rút kinh nghiệm hàng năm để kịp thời biểu dương, khen thưởng nhân điển hình những tập thể và cá nhân làm tốt phong trào. Trong năm 2017 Ban Dân vận Huyện ủy nhận 890 mô hình tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan, ban, ngành, địa phương các cấp đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo”. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 472 mô hình, lĩnh vực văn hóa - xã hội có 298 mô hình, lĩnh vực an ninh - quốc phòng có 92 mô hình và lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 28 mô hình. Ban Chỉ đạo huyện kiểm tra, đánh giá, họp xét đề nghị Ủy ban nhân dân huyện và Ban Chỉ đạo huyện chọn 74 mô hình “Dân vận khéo” để biểu dương khen thưởng. Trong quá trình thực hiện, các tập thể, cá nhân đã gắn việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” với dân vận chính quyền, Quy chế dân chủ ở cơ sở và tổ chức thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị huyện theo tinh thần Quyết định số 535-QĐ/HU, ngày 15/3/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy về ban hành Quy chế công tác Dân vận của hệ thống chính trị huyện Càng Long.

Nhóm mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế: Được sự quan tâm hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các ngành đoàn thể huyện, xã - thị trấn, các chi, tổ hội tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phương pháp xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả và vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và quần chúng Nhân dân tiếp tục chuyển biến về nhận thức, tích cực tham gia kinh tế hợp tác, hợp tác xã, kinh tế hộ, nhằm tăng sinh lời trên cùng diện tích, góp phần tăng trưởng kinh tế theo hướng tích cực. Quy mô tuy chưa lớn nhưng đã tạo được những tiền đề trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hình thức hợp tác hóa. Tiêu biểu có mô hình của ông Lê Văn Quang, cán bộ hưu trí ấp Rạch Rô I, xã Nhị Long, với mô hình kinh tế tổng hợp, ông trồng 0,4ha dừa sáp thu được hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện nay gia đình ông mua thêm được 10 công đất ruộng lên vườn trồng dừa sáp xen bưởi da xanh. Mô hình “Nhân rộng mô hình trồng thanh long” của ông Lê Văn Hùng, đảng viên chi bộ ấp Phú Hưng I, xã Bình Phú, với diện tích 0,6ha đất trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang trồng thanh long, thu lợi nhuận 550.000.000 đồng/năm. Mô hình này đã nhân rộng được 20ha trồng mới trong ấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tập thể Chi bộ ấp 5, xã An Trường với mô hình “Tổ hợp tác sản xuất lúa giống chất lượng cao”, hiện nay ấp có 07 tổ kinh tế hợp tác với 145 thành viên diện tích 105 ha, đây là mô hình chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao, được nhiều bà con nông dân quan tâm, áp dụng biện pháp 3 giảm, 3 tăng; học hỏi những mô hình hay, cách làm tốt; thực hiện mô hình này nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, liên kết 4 nhà trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cây lúa, trong năm 2017 đạt 50 triệu đồng/ha. Mô hình “Nuôi ong lấy mật” của ông Phạm Văn  Duy, ấp số 6, xã Mỹ Cẩm, mô hình chi phí thấp mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, cụ thể đạt được trong 7 tháng đầu năm 2017 đã thu hoạch được 105 lít mật, giá hiện tại 300.000 đồng/lít, tổng thu nhập 31.500.000 đồng. Bình quân thu nhập từ đàn ong hàng tháng 4.500.000 đồng. Qua kết quả thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật đã mang lại thu nhập đáng kể với chi phí thấp, ít tốn công lao động từ đó ở trong ấp và các ấp lân cận hiện nay có nhiều hộ đến tìm hiểu để học hỏi làm theo và bước đầu cũng có thu nhập. Đặc biệt là tất cả các độ tuổi điều tham gia, góp phần giải quyết việc làm nhàn rỗi tại địa phương.

Nhóm mô hình “Dân vận khéo” trong trên lĩnh vực văn hóa-xã hội: Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Dân vận khéo”,... trong đó nổi bật là vai trò phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới và xây dựng chi hội vững mạnh của Chi hội Phụ nữ ấp Long Thuận, xã Nhị Long, đã thành lập được nhiều mô hình tổ như: Tổ tol mái nhà, tổ hùn vốn mua bảo hiểm y tế, tổ cây dừa, cây chuối kinh tế, tổ tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tổ mua sắm vật dụng gia đình, các tổ mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực và những thành viên trong tổ điều được công nhận hộ đạt chuẩn gia đình nông thôn mới. Thông qua các hoạt động tổ, nhóm, từ đó Hội Phụ nữ ấp đã giữ chân được chị em phụ nữ vào tổ chức hội, góp phần xây dựng chi hội vững mạnh. Tập thể Đảng ủy xã Huyền Hội với mô hình “Gây Quỹ An sinh xã hội”, đến nay xã đã vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp được 891.500.000 đồng (trong này tiền mặt được 191.970.000 đồng). Cấp quần áo, tập viết cho 327 em học sinh nghèo, tổng kinh phí 54.000.000 đồng; tặng 1.500 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo tổng giá trị 375.530.000 đồng; xét hỗ trợ xây dựng 03 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở, tổng kinh phí 150.000.000 đồng; hỗ trợ xây dựng 04 căn nhà tình thương, tổng kinh phí 120.000.000 đồng. Tập thể Đảng ủy Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Hai với mô hình “Xã hội hóa giáo dục, vận động Quỹ Khuyến học, khuyến tài” đến nay đã vận động được 97.512.000 đồng, 6.655 quyển tập, 04 chiếc xe đạp và 04 bộ đồng phục, giúp đỡ cho các em học sinh nghèo học khá, giỏi, các em đã cảm nhận được tình thương, sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc tận tình của thầy, cô giáo đối với các em, cũng như sự đồng hành trong cộng đồng, xã hội, nên các em đã nỗ lực vươn lên trong học tập. Song song bên cạnh đó tập thể Chi bộ 3 Trường Trung học phổ thông Dương Háo Học có mô hình “Vận động giáo viên tích cực tham gia mô hình xanh, sạch, đẹp để góp phần xây dựng nông thôn mới”, cụ thể như: Trong sinh hoạt hằng ngày tất cả các đồng chí đã có ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường ở cộng đồng dân cư, nhà trường và gia đình. Việc thực hiện mô hình đã kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe, hạn chế ô nhiễm. Hiệu quả về mặt xã hội, nhận thức của tập thể đảng viên, giáo viên Chi bộ 3, tập thể nhà trường và của người dân địa phương được nâng cao, tạo vẻ mỹ quang gia đình nông thôn mới, góp phần đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp, đến nay có 100% đảng viên và giáo viên đạt chuẩn gia đình văn hóa nông thôn mới.

Nhóm mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh: Các cơ quan, đơn vị địa phương, lực lượng vũ trang đã triển khai và tổ chức thực hiện mô hình “Dân vận khéo” nhằm đảm bảo an ninh Chính trị trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, gắn với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, nhằm đảm bảo an ninh nông thôn, đặc biệt là “Mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” của Công an xã Tân An, với nhiệm vụ là cảm hóa giáo dục giúp đỡ các đối tượng chấp hành án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, trong năm đã vận động, hỗ trợ cho 05 đối tượng với số tiền là 18.000.000 đồng, sau khi mãn án tù trở về địa phương để làm kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng, nhằm góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm lành mạnh môi trường văn hóa, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, qua kiểm tra bước đầu các đối tượng làm ăn có hiệu quả và không còn tái phạm; đồng chí Nguyễn Văn Thảo, Công an huyện Càng Long với mô hình “Vận động Nhân dân xây dựng cổng phòng chống tội phạm” mô hình này đang trong quá trình phát triển và chỉ đạo nhân rộng trong toàn huyện; đồng chí Kim Huy Thiện, Công an huyện với mô hình vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer vào công tác bảo vệ an ninh trật tự,… Đây là những mô hình rất phù hợp với tình hình đất nước hiện nay, vì lĩnh vực quốc phòng-an ninh là công tác rộng lớn, đòi hỏi từng cá nhân, đơn vị và toàn xã hội cùng chung tay xây dựng và bảo vệ.

Nhóm mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: Cấp ủy đảng, chính quyền, Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân và các ngành chuyên môn tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng hệ thống chính trị, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, nhằm hướng tới xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Điển hình trong phong trào này có các mô hình của tập thể Phòng Tài nguyên và môi trường huyện với mô hình “Rút ngắn thời gian hoàn trả hồ sơ môi trường từ 10 ngày xuống còn 05 ngày”, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như: Cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; tạo sự chuyển biến cơ bản, tăng hiệu quả làm việc, giảm phiền hà, chi phí, thời gian cho tổ chức và công dân, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường được cải thiện, đội ngũ cán bộ, công chức của phòng ngày càng nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân và phát huy tính sáng tạo trong giải quyết công việc; mô hình “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội các đoàn thể” của ông Lâm Quốc Hùng, Phó Khối Dân vận xã An Trường A. Trong năm Khối Dân vận xã An Trường A làm tham mưu cho Đảng ủy xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai đến các chi, tổ hội, phân hội thực hiện việc họp lệ định kỳ theo Quy định số 784 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và  phân công cán bộ thường xuyên theo dõi nắm tình hình để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Qua nắm tình hình và tham mưu cho Đảng ủy đánh giá đúng thực chất trong quá trình tổ chức thục hiện. Qua kết quả đánh giá cuối năm của các chi, tổ hội về chất lượng có nâng lên, cụ thể như: Chi hội Nông dân ấp 9a năm 2016 hoạt động kém nay là chi hội tiên tiến, Chi hội Phụ nữ Trung Kiên, chi hội Cựu chiến binh Trung Thiên từ tiên tiến nâng lên xuất sắc, Chi đoàn ấp 9 từ khá lên vững mạnh,... Qua đánh giá đây là những mô hình có ý nghĩa trong việc xây dựng hệ thống chính tri, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và còn rất nhiều mô hình nổi bật khác, là những điểm sáng của phong trào thi đua“Dân vận khéo” trong năm 2017 mà Ban Chỉ đạo huyện cần chỉ đạo cho các cấp, các ngành phát huy và nhân rộng, để từng bước góp phần cho công tác dân vận phát triển ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đánh giá chung phong trào thi đua “Dân vận khéo” có bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng; các ngành và cơ sở cụ thể hóa công tác tuyên truyền, vận động khéo, đa dạng theo 04 nhóm mô hình, kết quả thực hiện các điển hình “Dân vận khéo”, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương. Các ngành và cơ quan, đơn vị chủ động tham mưu cấp ủy tập trung vào 4 nhóm mô hình, gắn với việc cần vận động khéo, đã giải quyết được những vấn đề khó khăn ở địa phương, đơn vị. Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chủ động tổ chức sinh hoạt các chuyên đề đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với chủ đề hướng “Dân vận khéo”, dân vận chính quyền, Quy chế dân chủ ở cơ sở và việc xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị. Ban Chỉ đạo Đảng ủy các xã-thị trấn và các ngành đã tập trung chỉ đạo tạo được sự chuyển biến về nhận thức và thực tiễn, trách nhiệm của tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị phối kết hợp, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, mang lại  hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, đơn vị ngày càng trong sạch vững mạnh.

Tuy nhiên, nhận thức của một số ngành, địa phương về phong trào thi đua “Dân vận khéo” còn hạn chế, thiếu kỹ năng thực hành công tác dân vận và phương pháp, quy chế thực hiện “Dân vận khéo”, có nơi thực hiện còn mang tính hình thức, chỉ đăng ký mô hình nhưng thiếu quan tâm hướng dẫn xây dựng phát triển mô hình. Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” từng lúc chưa kịp thời theo dõi, nuôi dưỡng, phát triển phong trào, chưa nâng cao chất lượng các mô hình để nhân rộng bền vững, còn một số nơi chạy theo thành tích mà chưa tính đến hiệu quả.

Trên cơ sở kết quả đạt được và tình hình thực tế của huyện, Thường trực Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ và Phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2018 như sau:

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với đặc điểm tình hình của từng chi, Đảng bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân theo hướng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể, học tập làm theo Bác theo chuyên đề năm 2018 về xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công tác cải cách thủ tục hành chính, vận dụng sáng tạo các biện pháp “Dân vận khéo”, lồng ghép vào các lĩnh vực chuyên môn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Tập trung vận động, tuyên truyền thực hiện kế hoạch tái cơ cấu trong ngành nông nghiệp; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia vào kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã, nhằm phát triển tốt kinh tế - xã hội, phát động phong trào giảm nghèo bền vững, từ thiện nhân đạo, gắn với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị; quan tâm giải quyết thỏa đáng những vấn đề bức xúc nảy sinh từ cơ sở, tăng cường công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng các mô hình Câu lạc bộ tái hòa nhập cộng đồng.

Xây dựng gồm 4 nhóm mô hình “Dân vận khéo”: Nhóm 1: Mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế: Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết các hình thức sản xuất, tích cực hưởng ứng tham gia các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã... Nhóm 2: Mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa-xã hội: Tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua trên các lĩnh vực, giáo dục đào tạo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo. Nhóm 3: Mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực an ninh-quốc phòng: Tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, tăng cường xây dựng  nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội tạo sự ổn định về chính trị, tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Ðảng, Nhà nước với Nhân dân. Nhóm 4: Mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về “Dân vận khéo” đến nhân sĩ, trí thức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đưa phong trào “Dân vận khéo” vào nhiệm vụ cụ thể chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nêu cao ý thức, thái độ trong tiếp xúc, vận động Nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị (xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận đoàn thể vững mạnh, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện ủy về công tác dân vận, Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Đối tượng tham gia xây dựng 4 nhóm mô hình “Dân vận khéo”: Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng, các cơ sở tôn giáo các cấp, nhân sĩ, trí thức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và toàn thể quần chúng Nhân dân. 

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng trên địa bàn huyện có trách nhiệm phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” đạt hiệu quả thiết thực, quan tâm chỉ đạo đăng ký phát triển mô hình, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền, phát triển mô hình tiêu biểu để nhân rộng; thường xuyên quan tâm củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của thành viên Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ và Phong trào thi đua  “Dân vận khéo” các cấp. Kịp thời kiểm tra, đôn đốc việc đánh giá, công nhận mô hình  “Dân vận khéo” theo Hướng dẫn số 16-HD/BCĐ, ngày 18/01/2016 của Ban Chỉ đạo huyện về tiêu chí đánh giá, bình xét công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. 

Thời gian đăng ký thực hiện mô hình “Dân vận khéo” từ 15/10/2017 đến ngày 31/12/2017, số lượng đăng ký đối với xã - thị trấn 10 mô hình tập thể, 15 mô hình cá nhân, các Đảng ủy trực thuộc Huyện ủy số lượng 05 mô hình tập thể, 07 mô hình cá nhân, đối với chi bộ trực thuộc Huyện ủy từng đơn vị gởi đăng ký mô hình tập thể cá nhân về Ban Dân vận Huyện ủy theo mẫu hướng dẫn. Ban Chỉ đạo các cấp kịp thời tham mưu cấp ủy chỉ đạo tổng kết, khen thưởng mô hình tiêu biểu của cơ quan, đơn vị và địa phương được thực hiện trong sơ kết Quy chế dân chủ và phong trào thi đua  “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2018 vào dịp kỷ niệm 88 năm ngày Truyền thống công tác Dân vận của Đảng 12/10/2018./.

                                                                                                     Bài, ảnh: Trần Minh Tuấn


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 192
  • Tất cả: 234466