Sở Tư pháp vận dụng kết hợp "Dân vận khéo" với Quy chế dân chủ thực hiện mô hình "Cải cách thủ tục hành chính và thái độ phục vụ Nhân dân"
“Cải cách thủ tục hành chính và thái độ phục vụ Nhân dân của Sở Tư pháp” là mô hình cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về cải cách hành chính với phương châm cắt giảm 50% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính do Trung ương quy định. Quá trình thực hiện, Sở Tư pháp đã vận dụng kết hợp “Dân vận khéo” với Quy chế dân chủ góp phần tạo sự thành công của mô hình.

Cán bộ Sở Tư pháp trong một buổi tiếp công dân

Năm 2016, tại Quyết định phê duyệt kết quả xác định Chỉ số theo dõi, đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đạt 75,61 điểm, xếp thứ 5/18 sở, ngành tỉnh (do chưa kiện toàn bộ phận tiếp nhận và trả kết quả); có khoảng 10% cấp phiếu lý lịch tư pháp và các thủ tục khác trả kết quả trễ thời gian quy định, làm ảnh hưởng đến người dân nộp hồ sơ ở cơ quan khác. Và điều quan trọng hơn là qua đó, mức độ hài lòng của người dân chưa cao. Để phấn đấu vươn lên thứ hạng cao hơn, tăng mức độ hài lòng trong dân, Ban Chấp hành Chi bộ và lãnh đạo Sở đã chỉ đạo triển khai, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức quyết tâm thực hiện thành công mô hình “Cải cách thủ tục hành chính và thái độ phục vụ Nhân dân của Sở Tư pháp”.

Cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đầu tiên, quán triệt trong mỗi công chức, viên chức, nhất là người trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính nắm vững Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 23/01/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng thực thi công vụ gắn với công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”; ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện công tác cải cách hành chính; tăng cường cải cách hành chính gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, công chức; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. 

Sau đó tiến hành rà soát lại tất cả các quy định về thủ tục hành chính, phân loại để phân công cho người có năng lực, tay nghề hợp lý, có ý thức trách nhiệm với công việc được giao. Bản thân người thực hiện phải biết lắng nghe yêu cầu, đề xuất, vướng mắc của người dân như của chính bản thân và gia đình mình để từ đó giải thích, chia sẻ, hướng dẫn tận tình, đầy đủ, không để phát sinh tình trạng bổ sung hồ sơ nhiều lần; giúp đỡ họ bằng thái độ vô tư, tạo hiệu quả thực sự, hạn chế thấp nhất những tốn kém không cần thiết về vật chất, thời gian, công sức,...

Khi tiếp xúc, tiếp nhận và thực hiện thủ tục hành chính, người thực hiện có giải thích cho cá nhân, tổ chức biết việc Sở Tư pháp cố gắng rút ngắn thủ tục hành chính là chấp hành sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, để người có yêu cầu hiểu, cùng hợp tác, hỗ trợ, cảm thông với cơ quan, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả việc tiếp nhận và trả kết quả của tổ chức và Nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc.

Quá trình thực hiện cải cách hành chính và thái độ phục vụ Nhân dân, Sở Tư pháp đã phối hợp với Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Cục Thi hành án và cơ quan hữu quan khác,… cùng rà soát để khắc phục việc trễ hạn khi cấp phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp do cần có thời gian chờ kết quả của các cơ quan Trung ương, địa phương hoặc tỉnh, thành phố khác thì kiên trì giải thích cho người dân hiểu rõ lý do, từ đó luôn nhận được sự cảm thông, chia sẻ và thái độ vui vẻ của Nhân dân trong thời gian chờ đợi.

Sở đã phân công, bố trí công chức tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thuận lợi hơn. Cập nhật, rà soát các quy định của Trung ương, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định công bố 147 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp; thực hiện cắt giảm 50% thời gian giải quyết đối với 147/147 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp đúng theo chủ trương của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời với thực hiện cải cách thủ tục hành chính, Sở đã xây dựng, triển khai “Kế hoạch cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và chất lượng thực thi công vụ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2017 của Sở Tư pháp” góp phần thúc đẩy nhanh hơn công tác cải cách thủ tục hành chính; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chỉ thị triển khai thực hiện “Luật Tiếp cận thông tin”, kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc”, đề án đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, dự thảo để sửa đổi, bổ sung, thay thế phương thức tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. 

Với những việc làm năng động trên, kết quả thu về rất tích cực. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở các bộ phận tiếp dân, giải quyết các thủ tục hành chính đã có thay đổi rõ nét, nhất là ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân. Việc triển khai công tác cải cách hành chính đảm bảo sự quản lý, điều hành thông suốt, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, từng bước hiện đại hóa công tác tư pháp, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Sở đã thẩm định 24 dự thảo nghị quyết để Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, trong đó có 18 vụ (đạt 75%) hoàn thành trước thời gian quy định từ 01 - 05 ngày, không có hồ sơ trễ hạn, có 50% dự thảo nghị quyết của Sở cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn cho đơn vị chủ trì soạn thảo. Thẩm định 37 dự thảo quyết định trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, tổ chức lấy ý kiến đóng góp 87 dự thảo văn bản theo yêu cầu của Trung ương và địa phương, tự kiểm tra 26 quyết định do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, kiểm tra theo thẩm quyền 07 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi đến,… tất cả đều hoàn thành trước hạn, đúng hạn, không có trường hợp trễ hạn.

Kết thúc rà soát 392 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành, tất cả đều đúng trình tự, thủ tục, nội dung và thời gian. Trên cơ sở kết quả kiểm soát của Sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 11 quyết định công bố thủ tục hành chính, nhập cơ sở dữ liệu quốc gia 425 thủ tục hành chính (công bố mới 204, bãi bỏ 221 thủ tục hành chính). 9 tháng đầu năm 2017, cấp 2.377 phiếu lý lịch tư pháp (số 1 và số 2), trong đó trước hạn 2.302 phiếu, chiếm 96,8%, số phiếu được cấp đúng hạn năm sau cao hơn năm trước. Ngoài ra, Sở còn tiếp nhận, kiểm tra, phân loại 5.859 thông tin lý lịch tư pháp, lập 152 bản lý lịch tư pháp, cung cấp 928 thông tin lý lịch tư pháp cho các Sở Tư pháp và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Tiếp nhận 817 lượt người dân đến yêu cầu trợ giúp pháp lý, trong đó tư vấn 216 vụ, tham gia tố tụng 176 vụ, tất cả đều được trợ giúp miễn phí, thủ tục nhanh, gọn, phù hợp với trình độ, điều kiện của các đối tượng yêu cầu được trợ giúp.

Nhìn lại quá trình thực hiện mô hình “Cải cách thủ tục hành chính và thái độ phục vụ Nhân dân của Sở Tư pháp” theo phương thức “Dân vận khéo” kết hợp với vận dụng Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác cải cách thủ tục hành chính đã vào nền nếp, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính không cần thiết của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, từ đó tăng lên mức độ hài lòng của người dân. Hiệu quả tạo ra từ mô hình đã đưa công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2017 chuyển biến tích cực so với các năm trước, là động lực mới thúc đẩy các hoạt động chuyên môn khác ngày càng hiệu quả và chất lượng./.

                                                                                                     Bài, ảnh: Diệu Linh



Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 190
  • Tất cả: 234268