Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh "Xã hội hóa các chuyên mục, chuyên đề"
Xã hội hóa các chương trình phát thanh và truyền hình là mục tiêu của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Trà Vinh nhiều năm qua. Đây là kế hoạch của Đảng ủy, Ban Giám đốc Đài. Nhiều năm qua công tác này đạt kết quả quan trọng, tạo hiệu quả tích cực.

Phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh trong một buổi ghi hình

Từ lộ trình tự chủ kinh phí một phần đến tự chủ hoàn toàn đối với hoạt động của đơn vị, những khó khăn trong công tác thu nguồn tài chính từ quảng cáo do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các loại hình báo chí, các đơn vị, doanh nghiệp,… có nhiều lựa chọn kênh thông tin trong công tác quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho mình, việc tranh thủ phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí tuyên truyền,… đặt ta nhiệm vụ quan trọng có tính cấp thiết đối với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Trà Vinh, lãnh đạo Đài đã xây dựng thành công mô hình “Xã hội hóa các chuyên mục, chuyên đề”.

Mỗi đầu năm, Chi bộ Chuyên mục - Thông tin điện tử đều xây dựng kế hoạch, đăng ký thực hiện mô hình “Xã hội hóa chuyên mục, chuyên đề” nhằm nâng cao chất lượng chương trình, nguồn thu tài chính cho đơn vị mỗi năm sau đều cao hơn năm trước. Chi bộ luôn xem việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, viên chức là nhiệm vụ có tính quan trọng, nên đảng viên, phóng viên đều tích cực, chủ động đăng ký học tập và làm theo gắn với nhiệm vụ cụ thể của cá nhân. Tại các cuộc sinh hoạt lệ, Chi ủy phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo phòng đề ra các biện pháp cụ thể để thực hiện và đảm bảo các biện pháp thực hiện phải đúng pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế về nhân lực, vật lực của đơn vị.

Về xây dựng nội dung, hình thức thể hiện chương trình, trên cơ sở các chuyên đề, chuyên mục hiện có, Chi ủy phối hợp với lãnh đạo phòng đưa ra các giải pháp thực hiện đổi mới hình thức thể hiện gồm phóng sự, ký sự, phim tài liệu, phỏng vấn, ghi nhanh, tường thuật,… tùy nội dung mà xây dựng kịch bản phù hợp với thể loại, tránh lối mòn xây dựng kịch bản, hình thức thể hiện gây nhàm chán, kém sức hấp dẫn đối với người xem và nghe Đài.

Đối với các chuyên đề, chuyên mục chưa thực hiện trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, Chi ủy phối hợp lãnh đạo phòng xây dựng “fomat” các chương trình mới nhằm kịp thời phản ánh những chuyển động của sự phát triển tỉnh nhà, nêu gương điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân tiêu biểu để giới thiệu, nhân rộng theo phương thức “Lấy hoa thơm lấn cỏ dại”. Các chuyên mục “Quy chế dân chủ ở cơ sở và “Dân vận khéo”, “Vì văn minh đô thị” “Đại đoàn kết”,… đều thể hiện ý tưởng này.

Về phân công nhân lực thực hiện, xuất phát từ nhu cầu, yêu cầu của các cơ quan, đơn vị phối hợp tuyên truyền, lãnh đạo phòng phân công phóng viên phù hợp với năng lực, sở trường, am hiểu về lĩnh vực cụ thể để thực hiện đề tài. Cho nên qua thời gian triển khai thực hiện mô hình “Xã hội hóa các chuyên mục, chuyên đề”, nhìn chung các chương trình thường xuyên đổi mới, tăng dần mức độ tương tác trong từng chương trình, được đông đảo khán, thính giả quan tâm theo dõi. Năm 2014, các chuyên mục khuyến nông, nhịp cầu nhà nông trung bình có 40 câu hỏi, chương trình tư vấn nuôi trồng thủy sản có khoảng 100 câu hỏi của khán giả trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long gọi đến tham gia giao lưu. Từ năm 2015 đến năm 2017, số câu hỏi của khán thính giả tăng từ 40 lên 60 và 100 lên 200 câu hỏi, trong đó có cả khán, thính giả các tỉnh miền Trung, miền Bắc tham gia giao lưu.

Trang thông tin điện tử của Đài hàng năm thực hiện 1.860 file video clip với thời lượng 37.290 phút,  đăng tải 2.034 tin, bài viết bằng văn bản cùng 2.682 ảnh minh họa, bình quân mỗi ngày có trên 20.000 lượt bạn đọc truy cập. Các chuyên mục về xây dựng Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, văn hóa xã hội, pháp luật và cuộc sống,… đã góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua,… Chuyên mục An sinh xã hội được lãnh đạo phòng bố trí phóng viên có năng lực, đúng sở trường phụ trách từ đó chất lượng nội dung, hình ảnh được nâng lên. Nội dung tuyên truyền bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan công tác trợ giá, trợ cước, nhà ở cho hộ nghèo, Chương trình 134, 135, 167, dự án điện cho hộ Khmer, hộ nghèo,… Chuyên mục việc làm-dạy nghề, thông tin về chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế, chính sách dân tộc, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chính sách ưu đãi, các mô hình sản xuất mới, hiệu quả,… giúp cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt hơn công tác an sinh xã hội.

Trung bình mỗi năm, phòng Chuyên mục và phòng Thông tin điện tử đã tham mưu cho Ban Giám đốc Đài ký kết hợp đồng phối hợp tuyên truyền được 1,800 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng chương trình, thu hút ngày càng nhiều khán giả, đưa kênh truyền hình Trà Vinh trở thành kênh thông tin “Tin cậy - bổ ích - hấp dẫn - kịp thời”, đóng góp một phần với các ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

“Xã hội hóa các chuyên mục, chuyên đề” là mô hình “Dân vận khéo” giải quyết được vấn đề khó khăn về công tác vận động và khắc phục khó khăn về nguồn tài chính. Mô hình thực hiện phù hợp với bối cảnh chung của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./. 

                                                                                                     Bài, ảnh: Diệu Linh


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 31
  • Trong tuần: 190
  • Tất cả: 234305