Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động trong xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua công tác tuyên truyền được xem là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu trong việc tổ chức, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từ Trung ương đến địa phương. Thông qua công tác tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế, các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Với phương châm hướng mạnh công tác dân vận về cơ sở, tuyên truyền vận động Nhân dân “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ban Dân vận Tỉnh ủy-cơ quan thường trực Ban Vận động, Tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tỉnh đã tập trung phối hợp khối dân vận cơ sở quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, để thông qua đó làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực của cộng đồng, từng bước hoàn thành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới. Vì vậy, công tác dân vận đặt ra yêu cầu hệ thống Dân vận, Mặt trận, các đoàn thể từ tỉnh, huyện đến cơ sở phải xây dựng một chương trình hành động, chỉ tiêu xác thực ở từng địa phương, từng lĩnh vực, từng thời gian. Đáng chú ý là vận động Nhân dân hiến đất, cây cối, hoa màu, mở đường, chuyển dịch cơ cấu cây con, mùa vụ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho thu nhập cao, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý rác thải và các tiêu chí khác, yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động tất cả hội viên, đoàn viên và quần chúng Nhân dân cùng thực hiện đồng loạt.

Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới đến các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức như truyên truyền miệng, thông qua các hội nghị, các buổi họp, hội nghị của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, qua các hoạt động văn hoá văn nghệ, hội diễn, cuộc thi tìm hiểu xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền trực quan thông qua pa nô, áp phích, qua các đợt học tập kinh nghiệm các mô hình, qua các mô hình “Dân vận khéo” để vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới đem lại hiệu quả tích cực, góp phần vào thành công chung của công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.… 6 tháng đầu năm đã tuyên truyền, vận động được 1.670 cuộc cho 53.677 lượt người; thực hiện 12 phóng sự về xây dựng nông thôn mới. Phát động 90 ấp và 84.000 hộ đạt ấp, hộ nông thôn mới; huy động hiến đất, góp tiền, vật tư, ngày công do Nhân dân đóng góp 2,534 triệu đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 37 xã đạt 10-14 tiêu chí, 31 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Số hộ đạt 8 tiêu chuẩn hộ nông thôn mới là 113.987/216.718 hộ, đạt 52,59 % tổng số hộ phát động, có 87/686 ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới, đạt 12,68 % tổng số ấp. 

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác tuyên truyền tuy sớm được triển khai nhưng chưa thực sự có chiều sâu và điểm nhấn. Nội dung tuyên truyền còn dừng lại ở việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, các thông tin khác vẫn còn mang tính một chiều, chưa đáp ứng được các nhu cầu bức xúc của Nhân dân. Thông tin tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa nhiều, chưa được liên tục, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp Nhân dân. Một số chính sách của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn chưa được cụ thể hóa nên khi vận động Nhân dân còn gặp trở ngại nhất là vận động Nhân dân chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn trong thời gian tới, (1) các ngành, các cấp, địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” trong đó tập trung tuyên truyền các chủ đề trọng tâm như huy động các nguồn lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn nhất là vùng khó khăn để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập và những phần việc cơ sở, người dân phải thực hiện; (2) tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực các cấp, chủ yếu là ở cấp xã để cán bộ nhận thức cơ bản, cốt lõi của xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Từ đó có thể thực hiện nhanh chóng và bền vững các tiêu chí nông thôn mới theo quy định; (3) thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, ngoài tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hình, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp cần tăng cường tổ chức tuyên truyền trong toàn thể hội viên và thông qua hội viên tuyên truyền rộng rãi đến quần chúng Nhân dân. Báo chí cần phải tạo ra diễn đàn để bạn đọc, các nhà quản lý, nhà chuyên môn, người nông dân chia sẻ nhau những quan điểm suy nghĩ, ý kiến, kinh nghiệm… trong xây dựng nông thôn mới; (4) tăng cường thời lượng phản ánh tin, bài viết về hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới của các tổ chức, đặc biệt là những bài nêu cách làm hay, mới, sáng tạo, hiệu quả vừa đẩy mạnh, vừa tạo sự lan tỏa sâu rộng các mô hình tiêu biểu “Dân vận khéo” trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời biên soạn tài liệu hỏi và đáp, sổ tay với nội dung xoay quanh chương trình xây dựng nông thôn mới một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhằm phổ biến rộng rãi đến người dân và làm cho mỗi hộ gia đình biết rõ phải làm gì, khóm, ấp mình làm công trình nào trong năm nay, đóng góp bao nhiêu, bằng hình thức gì...; (5) Ban Chỉ đạo nông thôn mới thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, rút kinh nghiệm để chỉ đạo nhân rộng. Kịp thời tổng kết biểu dương, khen thưởng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa với việc biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh./.

                                                                                                     Bài: Kim Hiền

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 417
  • Trong tuần: 1 715
  • Tất cả: 233028