Trà Vinh: 05 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) dưới góc độ công tác dân vận
Tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trong tình hình kinh tế có nhiều biến động, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng và sản xuất luôn thay đổi ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chính phủ chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu kinh tế bước đầu phát huy hiệu quả và triển khai các biện pháp miễn, giảm, giãn nộp thuế đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; kinh tế của tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang từng bước cải thiện, quá trình hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực càng trở nên quyết liệt dẫn đến tình trạng có nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng như thu hẹp sản xuất kinh doanh; trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2012 - 2016 có 1.084 doanh nghiệp thành lập mới, 475 doanh nghiệp giải thể chiếm 43,8% số lượng doanh nghiệp thành lập mới, cho thấy tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện có 1.886 doanh nghiệp, 951 đơn vị phụ thuộc (300 chi nhánh, văn phòng đại diện và 670 địa điểm kinh doanh) với tổng số vốn là 24.746 tỷ đồng và 87.525 lao động. Triển khai các công trình trọng điểm như: Cảng biển Trà Vinh nằm trong quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải gồm khu bến Trà Cú và khu bến Định An; Trung tâm Điện lực Duyên Hải gồm 3 Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, 2, 3 với tổng công suất thiết kế 4.200 MW (hiện Nhà máy 1 đã hòa điện thương mại 02 tổ máy; Nhà máy 3 chuẩn bị hoàn thành; Nhà máy 2 chuẩn bị khởi công); cầu Cổ Chiên đã hoàn thành đưa vào sử dụng, riêng Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (kênh Quan Chánh Bố) do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư đến nay cơ bản hoàn thành; dự án mở rộng quốc lộ 53, 54, 60 sẽ tiếp tục triển khai; cầu Đại Ngãi đã khởi động tháng 12/2015, dự kiến cuối năm 2018 hoàn thành sẽ là cơ hội tốt cho thu hút đầu tư vào tỉnh và số lượng doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU, ngày 22/5/2012 về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức kiểm tra, giám sát, triển khai quán triệt cho cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên nhận thức tốt về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như: Quyết định số 04/QĐ-UBND, ngày 13/02/2015 “Ban hành quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”; Quyết định số 460/QĐ-UBND, ngày 04/03/2016 “Ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong thành lập doanh nghiệp”; Quyết định số 1480/QĐ-UBND, ngày 12/7/2016 ban hành “Kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Trà Vinh năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 1481/QĐ-UBND, ngày 12/7/2016 “Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ”.

Thời gian qua trong lãnh đạo đạt một số kết quả nổi bật: Cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và người đứng đầu doanh nghiệp thực hiện tốt công tác tuyên truyền qua đó khẳng định vị trí vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước, xã hội công nhận, tôn vinh; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cán bộ, đảng viên, người lao động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên vận dụng tốt vào công việc chuyên môn, từ đó đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo góp phần tích cực vào kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ 890 triệu đồng cho các cơ sở, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tổ chức 23 buổi họp mặt, chương trình kết nối giao thương với doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho 9/20 doanh nghiệp vay 466,36 tỷ đồng thông qua chương trình hội nghị kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện liên kết kinh tế giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, giữa công nghiệp với nông nghiệp và nghiên cứu khoa học, cung ứng nguyên liệu sản xuất, kỹ thuật, dịch vụ, chế biến, xây dựng kết cấu hạ tầng, hướng các hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đào tạo 67 lớp kiến thức cần thiết về kinh doanh, pháp luật và trách nhiệm xã hội, trình độ tay nghề chuyên môn gắn với giải quyết việc làm, tổ chức 04 chương trình hội thảo hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp tỉnh, 05 cuộc họp mặt doanh nghiệp đầu năm, 07 cuộc đối thoại doanh nghiệp, 04 chương trình tôn vinh doanh nhân, qua đó có 115 doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, trao 202 Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, 34 Bằng khen của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 05 doanh nhân tiêu biểu được trao tặng Cúp Thánh Gióng, tuyển sinh, đào tạo nghề cho 18.554 người tại các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho 24.000 lao động góp phần đáng kể trong việc cung cấp nguồn lao động cho doanh nghiệp; đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện với số tiền 21,246 tỷ đồng, nâng cao năng lực các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động, tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, doanh nhân, liên kết với chính quyền địa phương thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và quảng bá sản phẩm cho người tiêu dùng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp thông qua các tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí nhân các ngày lễ lớn trong năm, tạo mối quan hệ lao động hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến từng đoàn viên, hội viên là người trực tiếp tham gia lao động, sản xuất kinh doanh. Đến nay tỉnh Trà Vinh hiện có 1.886 doanh nghiệp, trong đó: 24 doanh nghiệp có tổ chức cơ sở Đảng có 1.404 đảng viên, triển khai đạt 99,7% việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”’; 28.468 đoàn viên ở 59 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn; 737 đoàn viên ở 18 doanh nghiệp có tổ chức Đoàn Thanh niên; 100% doanh nghiệp thành lập Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Qua thực tế lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có thể đúc kết một số kinh nghiệm: Mọi chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước cần phải được triển khai đầy đủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tiếp cận được các nguồn vốn vay; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành phải chặt chẽ, đặc biệt là các trung tâm đào tạo nghề phải được phát triển đồng bộ, có đội ngũ giáo viên kỹ thuật giỏi, trang bị đầy đủ phương tiện, máy móc để đảm bảo đào tạo nghề cho lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; tạo môi trường làm việc bình đẳng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, thực hiện tốt quy chế dân chủ, thông tin đầy đủ tình hình hoạt động của doanh nghiệp cho toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động nhằm tạo sự thống nhất cao.

Trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế của tỉnh sẽ còn tiếp tục khó khăn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng có những cơ hội để doanh nghiệp, doanh nhân liên kết, tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải tiến kỹ thuật nhằm giảm thiểu chi phí, gia tăng giá trị sản phẩm, cạnh tranh và phát triển bền vững; tận dụng cơ hội các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp tại địa phương có thể sản xuất, cung cấp những sản phẩm theo dây chuyền, chất lượng cho các siêu thị, trung tâm thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, giao thông sẽ sớm được hoàn thiện, công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư được đẩy mạnh là cơ hội để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, qua đó kéo theo nhiều hoạt động, dịch vụ, thương mại phát triển,…

Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) như sau:

Một, cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp bằng nhiều hình thức tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), Chương trình hành động số 16-CTr/TU, ngày 22/5/2012 của Tỉnh ủy cho cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp ngoài Nhà nước nơi chưa có tổ chức Đảng, đoàn thể nhận thức tốt về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hai, các ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể để xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động kinh doanh hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; định hướng doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bảo đảm doanh nghiệp phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, lợi ích của người lao động, tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xã hội.

Ba, các cơ quan truyền thông có chuyên mục giới thiệu gắn với những doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt để biểu dương, nhân rộng điển hình nhằm tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp. 

Bốn, tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với Đảng, chính quyền, là tổ chức đại diện lợi ích hợp pháp cho cộng đồng doanh nghiệp, là nơi tin cậy để doanh nghiệp, doanh nhân gửi gắm những thông tin, phản ánh những khó khăn vướng mắc; tổ chức cho doanh nhân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các tỉnh bạn, tạo sự liên kết trong hoạt động kinh doanh.

Năm, có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, định hướng giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, cơ chế đối thoại, chủ trương, chính sách đã ban hành nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn theo chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Sáu, các trường dạy nghề, các ngành, các cấp xây dựng, triển khai thực hiện chương trình quốc gia về khởi sự doanh nghiệp, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, quản trị kinh doanh; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao, cập nhật những kiến thức cần thiết cho doanh nhân về kinh doanh, pháp luật và trách nhiệm xã hội.

Bảy, bồi dưỡng, kết nạp những doanh nhân ưu tú đủ tiêu chuẩn vào Đảng; nâng cao trình độ chính trị cho người sử dụng lao động và người lao động; hướng dẫn, tạo điều kiện thành lập các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khi đủ điều kiện theo quy định./.

Bài: Anh Đào

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 457
  • Trong tuần: 1 755
  • Tất cả: 233068