Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể giám sát chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới
Năm 2016, công tác dân vận tham gia xây dựng nông thôn mới, mà cụ thể là công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đạt những kết quả cơ bản, quan trọng, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới tỉnh Trà Vinh” phát triển sâu rộng, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân để hoàn thành các tiêu chí về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,…

Ban Dân vận Tỉnh ủy khen thưởng công tác dân vận năm 2016

Trong công tác tuyên truyền, vận động, các ngành, địa phương đã kết hợp triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; vận động Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập của người dân. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 23 xã đạt 19/19 tiêu chí, tại các xã được công nhận, tình hình kinh tế-xã hội ổn định, đời sống Nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, qua đánh giá chung thì công tác tuyên truyền chưa được tập trung và chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp với từng đối tượng; chưa kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền với giáo dục, vận động, thuyết phục giữa tuyên truyền chung với tuyên truyền riêng; từ đó chưa thực sự làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Các mô hình hiệu quả, cách làm hay chậm được nhân rộng; chất lượng đoàn viên, hội viên không đạt, cán bộ đoàn thể còn yếu; công tác dân vận chưa khéo, thiếu gương mẫu.

Trong các khuyết điểm, hạn chế của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể năm 2016 thì khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục cụ thể nhất là: “Chưa phát huy tốt vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong việc giám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới”. Giải pháp chọn có thể là: 

Thứ nhất, Mặt trận, các đoàn thể thực hiện tốt Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 14/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI)”. Đó là thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tập trung nhiều vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục quán triệt, triển khai nâng cao nhận thức, nhất quán trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về ý nghĩa, nội dung xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là bộ tiêu chí mới, Luật Hợp tác xã năm 2012, Đề án tái cơ cấu kinh tế; xem xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bằng nhiều hình thức, thay đổi nội dung, phương pháp tuyên truyền với hình thức, phương pháp ngắn gọn về nội dung. Thực hiện đồng bộ với giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tập trung cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 452-CV/TU, ngày 18/9/2013 “Về công tác dân vận tham gia trong quy hoạch xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư”.

Thứ hai, cụ thể hóa công tác dân vận tham gia xây dựng nông thôn mới của Mặt trận, đoàn thể phải đảm bảo: (1) tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục sát đối tượng, hiệu quả, thiết thực, kiên trì và kiên quyết, không chung chung; (2) nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân; (3) từng ngành phát động thi đua xây dựng nông thôn mới đảm bảo yêu cầu đề ra và có tác động tích cực phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Mặt trận triển khai kế hoạch thực hiện Cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các đoàn thể mỗi ngành xây dựng, phát động xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với phong trào thi đua tiêu biểu như: Hội Nông dân với cải tạo vườn tạp; Đoàn Thanh niên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lập doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa; Hội Cựu chiến binh với chỉnh trang nhà cửa, du nhập ngành nghề; Hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động “5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không phạm pháp và mắc tệ nạn xã hội, không bạo lực, không sinh con thứ ba trở lên, không có con suy dinh dưỡng và bỏ học).

Thứ ba, tập huấn cán bộ Mặt trận, đoàn thể về phương pháp giám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua nhiều ngành đã cố gắng cụ thể hóa, nghiên cứu vận dụng nội dung giám sát vào thực tế, tuy nhiên đội ngũ cán bộ tham gia giám sát còn hạn chế nhiều mặt (con người, trình độ, năng lực, phương pháp tổ chức và phối hợp,…) nên ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công tác giám sát. Điều đó phần nào phản ánh chất lượng công tác tập huấn còn hạn chế, nhất là phương pháp giám sát chưa cụ thể. Trong tập huấn công tác giám sát, nhất thiết phải hướng dẫn cho cán bộ làm công tác giám sát nắm vững phương pháp theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (hạn chế triển khai trong lớp tập huấn những kiến thức chung chung); giúp cán bộ Mặt trận, đoàn thể có phương pháp, cách thức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả thiết thực (qua vận động Nhân dân có ý thức thực hiện và hoàn thành trách nhiệm tham gia xây dựng nông thôn mới theo nội dung, phần việc của mình).

Vì sao Mặt trận, đoàn thể cần phát huy tốt vai trò của mình trong việc giám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới? Căn cứ chức năng, nhiệm vụ từng tổ chức, thì đây là trách nhiệm của Mặt trận, đoàn thể vì:

- Sự nghiệp xây dựng đất nước càng phát triển theo chiều rộng và chiều sâu thì các chương trình kinh tế-xã hội càng được triển khai mạnh mẽ. Các tổ chức đoàn thể và các hội ngày càng phát triển đa dạng, các phương tiện thông tin đại chúng càng phong phú thì các yếu tố tác động vào quần chúng càng nhiều luồng, nhiều chiều, vì vậy, mỗi tổ chức phải hoạt động thích nghi với hoàn cảnh quần chúng có nhiều thông tin, chịu nhiều tác động.

- Các chương trình kinh tế-xã hội đang có sức thu hút Mặt trận, đoàn thể tham gia, bởi các chương trình này luôn tác động đến quần chúng, nhằm chăm lo đời sống của quần chúng (như chương trình xóa đói, giảm nghèo; chương trình trợ giúp các xã khó khăn; kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, vay vốn làm kinh tế gia đình). Bản thân các chương trình kinh tế-xã hội xét về vai trò chủ trì là cơ quan chính quyền, về thành phần các ban chỉ đạo thường mời đại diện của Mặt trận, đoàn thể tham gia, về điều kiện thực hiện thì cơ bản thuận lợi, có kinh phí, có cơ quan giúp việc theo dõi thực hiện, công tác điều hành, kiểm tra, sơ kết nhìn chung đảm bảo tốt.

- Công tác dân vận luôn luôn và lúc nào cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp, liên kết giữa các tổ chức chính trị với nhau. Thời gian qua, công tác phối hợp tổ chức phong trào quần chúng và thi đua yêu nước của Mặt trận, đoàn thể diễn ra sinh động, hiệu quả. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” sở dĩ thực hiện tốt vì đó chính là sự phối hợp nhiều chương trình kinh tế-xã hội, hoạt động của đoàn thể ở khu dân cư, đơn vị gắn với sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Mỗi đoàn thể đã khéo léo chọn những hoạt động thích hợp, để với cách làm riêng, tác động riêng, hình thức riêng mà tham gia cuộc vận động chung, đạt mục tiêu chung rộng lớn và sâu sắc hơn. 

- Các hoạt động của Mặt trận, đoàn thể đã góp phần động viên phong trào thi đua yêu nước, làm rõ chủ thể của phong trào thi đua yêu nước là toàn dân. Mặt trận, đoàn thể vừa phát động phong trào thi đua của hệ thống tùng ngành vừa có thể phối hợp được với phong trào thi đua chung, tạo ra nhiều mô hình tốt, phổ biến áp dụng ra nhiều nơi.

- Mặt trận, đoàn thể giám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới là một cách cụ thể hóa việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, là cơ hội để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giảm cơ sở yếu kém của từng tổ chức đoàn thể. Đồng thời đây cũng là giải pháp nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận, đoàn thể, nâng cao chất lượng hoạt động của từng chi, tổ hội và đoàn viên, hội viên theo sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 26-CT/TU “Về việc nâng cao năng lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội” và Quy định số 784-QĐ/TU “Về việc cấp ủy, lãnh đạo Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tham dự sinh hoạt định kỳ và ngày sinh hoạt định kỳ ở các loại hình chi bộ, chi, tổ hội, phân hội”./.

Bài, ảnh: Diệu Linh


Tin khác
1 2 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 161
  • Tất cả: 234276