Tình hình thực hiện Chỉ thị 26-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn huyện Cầu Ngang
Quán triệt Chỉ thị 26-CT/TU ngày 30/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về nâng cao năng lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội” (gọi tắt là Chỉ thị số 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy), Ban Thường vụ Huyện ủy Cầu Ngang có cụ thể hóa bằng việc ban hành Công văn số 83-CV/HU, ngày 28/4/2015 để chỉ đạo triển khai, thực hiện Chỉ thị 26 và tổ chức triển khai, quán triệt trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, đảng bộ cơ sở, các ban, phòng, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện. Qua hơn một năm tổ chức thực hiện cho thấy: Cấp ủy Đảng, chính quyền, Dân vận thể hiện được vai trò, trách nhiệm đối với MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở có bước nâng lên. Cụ thể như:

Định kỳ 6 tháng một lần, Ban Thường vụ Huyện ủy có tổ chức hội nghị để nghe Ban Dân vận Huyện ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội báo cáo, phản ánh tình hình thực hiện công tác vận động quần chúng để nắm bắt và góp ý, chỉ đạo nhất là việc triển khai thực hiện “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” theo Quyết định 3570-QĐ/TU ngày 19/5/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội” và “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” theo Quyết định 217, 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI).

Ban Dân vận Huyện ủy tham mưu cho Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; tham mưu cấp ủy chỉ đạo chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 18/2000/CT-TTg ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác dân vận”, Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư “Về việc nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”, Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Quyết định số 553/QĐ-UBND ngày 15/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh “Về việc triển khai kế hoạch thực hiện công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 -2020” và phong trào thi đua “Dân vận khéo” vào hoạt động thường xuyên; đồng thời quan tâm kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình và kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị. Thường xuyên chỉ đạo việc củng cố tổ chức, tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội. Hướng các hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, hạn chế việc đi cơ sở nắm không sát tình hình, hoạt động dàn trải, kém hiệu quả. Triển khai Đề án tin học hóa, quản lý dữ diệu đoàn viên, hội viên và rà soát, củng cố theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động gắn liền với phong trào, tránh các hoạt động mang tính phô trương, hình thức, lãng phí, kém hiệu quả.

Chính quyền có phối hợp thực hiện tốt công tác dân vận với Ban Dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là chỉ đạo các phòng, ban, ngành huyện, xã tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với công tác chuyên môn theo Quyết định 3570 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành“Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, Quyết định số 553/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, qua đó công tác cải cách hành chính, ý thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp có nhiều chuyển biến tích cực; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tiếp dân, chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở và cấp xã, góp phần giải quyết kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước; tạo điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác vận động quần chúng, nhất là phối hợp và tạo điều kiện cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện chức năng giám sát và động viên Nhân dân, đoàn viên, hội viên theo dõi, giám sát đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở cơ sở và các công trình dân sinh ở địa phương nhằm góp phần đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở và tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

Từ đó hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng tập trung nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; cuộc vận động “Vì người nghèo”, phong trào “Giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “Hiến máu cứu người”,“Thanh niên lập thân, lập nghiệp,Phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc... qua các phong trào đã vận động trên 5,6 tỷ đồng. Ngoài ra, còn vận động đoàn viên, hội viên đóng góp ngày công lao động và hiến đất với tổng giá trị trên 1,2 tỷ đồng để tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng xã văn hóa nông thôn mới và phát huy, nhân rộng nhiều mô hình tiêu biểu, có hiệu quả.

Song song đó huyện luôn quan tâm đến công tác tổ chức bộ máy của Đoàn thể các cấp. Ban Thường vụ Huyện ủy có ban hành Công văn số 181-CV/HU để cụ thể hóa việc thực hiện Công văn 243-CV/TU, Công văn 732-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (nay là Quy định 784-QĐ/TU), qua đó cán bộ, đảng viên, công chức cấp huyện, cấp xã có tranh thủ tham dự sinh hoạt định kỳ với Ban công tác Mặt trận và các chi, tổ hội đoàn thể ở ấp, khóm, hướng dẫn xây dựng chương trình và tổ chức điều hành cuộc sinh hoạt nhằm góp phần nâng cao chất lượng các cuộc sinh hoạt cả về nội dung lẫn hình thức. Qua tham dự có báo cáo và phản ánh những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để cấp ủy nắm bắt và chỉ đạo tháo gỡ. Với sự vào cuộc của toàn Đảng bộ hơn một năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác rà soát thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở và ấp, khóm, qua đó kịp thời tham mưu cho cấp ủy trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy để sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ đảm bảo tính ổn định và phát huy năng lực, hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, các chính sách, chế độ cũng được tham mưu thực hiện đảm bảo theo quy định; đồng thời thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong thời kỳ mới. Kết quả kiểm tra, đánh giá phân loại cuối năm, các tổ chức đoàn thể đều đạt vững mạnh, xuất sắc, không còn tổ chức đoàn thể trung bình, yếu kém. Hệ thống tổ chức MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã từ huyện đến cơ sở được quan tâm củng cố, kiện toàn; công tác quy hoạch, bố trí đội ngũ cán bộ được chú trọng, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ sơ sở được đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đến nay, đa số cán bộ cơ sở đã được đào tạo cơ bản đạt chuẩn theo quy định. 

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 26-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn nhiều hạn chế: Huyện ủy, các chi, đảng bộ cơ sở có triển khai đến đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhưng quá trình thực hiện từng lúc chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nên kết quả còn những hạn chế nhất định. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác dân vận trong hệ thống chính trị chưa đúng mức, biểu hiện như việc bố trí cán bộ, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu.

Hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội một số nơi chưa đủ mạnh để tham mưu cho cấp ủy; khả năng dự báo, đánh giá, nắm tình hình còn kém; xử lý vấn đề còn chậm, lúng túng. Việc theo dõi nắm bắt, tổng hợp và phản ảnh tình hình tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân từng lúc thiếu kịp thời. Công tác tham mưu của Ban Dân vận cấp huyện và Khối vận cơ sở cho cấp ủy cùng cấp về công tác dân vận trong hệ thống chính trị hiệu quả chưa cao; công tác phối kết hợp và cơ chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện công tác dân vận chính quyền, vận động quần chúng và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” từng lúc chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ và chưa kịp thời sơ, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm. Một số phong trào, mô hình chất lượng chưa cao, thiếu tính bền vững. Chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở chưa được phát huy đúng mức. Tỷ lệ tập hợp quần chúng trong độ tuổi vào tổ chức của các đoàn thể tuy đông về số nhưng chưa mạnh về chất, số lượng đoàn viên, hội viên còn nhiều biến động, chất lượng hoạt động ở một số nơi còn hạn chế; việc sinh hoạt lệ của Ban công tác Mặt trận và các chi, tổ hội đoàn thể chưa được duy trì thường xuyên, chất lượng sinh hoạt còn thấp. Nguyên nhân hạn chế đó là do thời điểm triển khai thực hiện Chỉ thị 26-CT/TU cùng lúc với việc chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 nên có sự phân tán, thiếu tập trung trong thực hiện. Điều kiện kinh tế - xã hội, sự đầu tư về cơ sở vật chất, về phát triển nguồn nhân lực cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa đảm bảo. Quan niệm, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chậm đổi mới, làm ảnh hưởng đến tình hình chung./.   

Bài:  Thành Long

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 29
  • Trong tuần: 192
  • Tất cả: 234216