Ban Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Thực hiện Công văn số 208-CV/BTCTU, ngày 21/4/2016 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy “Về việc báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (2011-2015)”, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy đã đánh giá tình hình, kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng như sau: 
Hội nghị cán bộ công chức Ban Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh năm 2015

Thứ nhất, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của cơ quan được tổ chức thực hiện từ nhiều xuất phát điểm: (1) về chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận, đồng thời cũng là cơ quan thường trực các Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Chỉ đạo công tác dân tộc, tôn giáo; (2) về tiêu chuẩn quy định, tổ chức bộ máy cơ quan hiện đã đủ, gồm 01 văn phòng và 03 phòng chuyên môn, 18/18 biên chế cán bộ, công chức, trong đó 04 đồng chí lãnh đạo Ban, 14 cán bộ và chuyên viên các phòng nghiệp vụ theo Quy định số 222-QĐ/TW, ngày 08/5/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh, thành ủy” và Thông báo 582-TB/BTCTU ngày 01/01/2010 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc “Giao biên chế Ban Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh năm 2010”; (3) về đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan, nhìn chung các đồng chí đều có tâm huyết với công tác dân vận, có tinh thần cầu tiến, tích cực học tập để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tuy nhiên, do tình hình thực tế chung của cả nước, trong đó có tỉnh Trà Vinh, lĩnh vực công tác dân vận chưa có trường, lớp đào tạo chính quy, cả một thời gian dài cán bộ, công chức tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành; (4) căn cứ các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, lãnh đạo cơ quan phối hợp với chi bộ, công đoàn đã xem xét, đề cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn và trình độ, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cơ quan theo quy hoạch giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo. 

Thứ hai, kết quả tổ chức thực hiện trong năm năm qua (2011-2015), toàn cơ quan đã xét chọn, đề cử 17 lượt cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, trong đó đào tạo cao cấp lý luận chính trị-hành chính có 02 cán bộ quản lý cấp phòng, trung cấp lý luận chính trị-hành chính có 07 công chức là chuyên viên dự học tại Trường Chính trị tỉnh; đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trình độ đại học có 03 cán bộ, công chức, đại học văn bằng 2 có 02 cán bộ cấp phòng; 01 cán bộ tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành tôn giáo, 01 cán bộ lãnh đạo Ban đang học thạc sỹ kinh tế và 01 công chức đang học thạc sỹ Văn hóa học tại Trường Đại học Trà Vinh. Ngoài ra, những năm qua, cơ quan đã cử trên 20 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các lĩnh vực khác (chương trình ngắn hạn) về kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính, chương trình chuyên viên, kiến thức và kỹ năng công tác dân vận do Ban Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị-Hành chính khu vực tổ chức.   

Quá trình cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cơ quan thường xuyên theo dõi tình hình, kết quả học tập, lấy kết quả học tập và bồi dưỡng làm tiêu chuẩn đánh giá, xét thi đua, khen thưởng hàng năm đối với bản thân cán bộ, công chức đi học. Cán bộ, công chức sau khi hoàn thành các lớp đào tạo, bồi dưỡng trở về cơ quan được tiếp tục phân công nhiệm vụ đúng với chức danh, vị trí việc làm và sở trường cá nhân. Qua đánh giá, kiểm nghiệm năng lực, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, cơ bản các đồng chí có sự vận dụng tốt hơn vào công việc thực tế so với trước khi đưa đi đào tạo, bồi dưỡng. Cơ quan thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người đi học, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, đúng, đủ, kịp thời theo quy định của Nhà nước. 

Thứ ba, hiệu quả mang lại từ công tác đào tạo, bồi dưỡng năm năm qua đã góp phần giúp cơ quan hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của cơ quan tham mưu Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận; đáp ứng cơ bản tiêu chuẩn quy định đối với cán bộ, công chức, phục vụ nhu cầu quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong nội bộ cơ quan. Cán bộ, công chức được cử đi học nhận thức rõ trách nhiệm và quyền lợi của cá nhân, từ đó đảm bảo tốt thời gian dự học trên lớp và thời gian hoàn thành công việc theo phân công tại cơ quan, nghiêm túc chấp hành nội quy lớp học và quy định của cơ quan đối với người đi học. Cán bộ, công chức sau học tập các lớp đào tạo về chính trị đã có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng hơn, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, không phai nhạt lý tưởng cách mạng, không sa sút ý chí. Cán bộ, công chức sau học tập các lớp đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ đã vận dụng được kiến thức cơ bản và kỹ năng nghiệp vụ vào công việc được phân công, nhất là biên tập, soạn thảo văn bản và công tác tham mưu lãnh đạo Ban theo từng lĩnh vực công tác. 

Thứ tư, từ thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng, có thể đúc kết một kinh nghiệm chung là: Cán bộ, công chức học các lớp đào tạo, bồi dưỡng của từng cơ quan, đơn vị nên xuất phát từ yêu cầu vị trí, việc làm của từng bộ phận làm việc, từng chức danh và sở trường cụ thể, qua đó hướng tới mục tiêu của việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là nâng chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị gắn với quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm.

Bước vào giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xác định: Việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm vào mục tiêu định hướng chung là nâng cao trình độ, năng lực, đạt các chuẩn yêu cầu quy định, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo về công tác dân vận; thông qua đào tạo, bồi dưỡng có 100% cán bộ, công chức đạt chuẩn chuyên môn đúng vị trí việc làm và chức danh. Phương hướng đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào việc tiếp tục thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển, bố trí, quy hoạch cán bộ kết hợp với phát huy dân chủ trong việc xét, chọn cán bộ, công chức dự học các lớp đào tạo, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. 

Nhiệm vụ công tác đào tạo tập trung vào hướng đánh giá, theo dõi, tạo điều kiện cán bộ, công chức thực hiện vị trí việc làm; xác định nhu cầu của cán bộ, công chức; đề xuất giải pháp thực hiện việc cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của phòng chuyên môn. Nhiệm vụ công tác bồi dưỡng tập trung vào hướng đánh giá chất lượng chuyên môn từng cán bộ, công chức, xác định nguyên nhân hạn chế, đề xuất hướng giải quyết và loại hình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Các giải pháp tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng là xây dựng, triển khai và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2016-2020 đi đôi với xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch quy hoạch, luân chuyển cán bộ, công chức; thường xuyên đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đánh giá hiệu quả làm việc thực tế của cán bộ, công chức sau đào tạo, bồi dưỡng./.

Bài, ảnh: Diệu Linh    

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 187
  • Tất cả: 234440