Thành phố Trà Vinh với phong trào thi đua "Dân vận khéo" năm 2017
Thực hiện Kế hoạch số 06-KH/BCĐ, ngày 14/8/2015 của Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Kế hoạch số 18-KH/BDVTU, ngày 29/3/2017 của Ban Dân vận Tỉnh ủy “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2017”, Kế hoạch số 04-KH/BCĐ, ngày 07/9/2015 của Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và Phong trào thi đua “Dân vận khéo” thành phố Trà vinh “Về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” thành phố Trà Vinh giai đoạn 2015-2020”, Kế hoạch số 14-KH/BCĐ, ngày 09/3/2017 “Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” thành phố Trà Vinh năm 2017” kết hợp với nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo” và rà soát, phát hiện, giới thiệu, nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” đang có trên địa bàn, Ban Dân vận Thành ủy-cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và Phong trào thi đua “Dân vận khéo” thành phố Trà Vinh xây dựng Kế hoạch số 15-KH/BDV, ngày 24 tháng 4 năm 2017 “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” thành phố Trà Vinh năm 2017”; tham mưu Thành ủy củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, sửa đổi bổ sung Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” thành phố Trà Vinh giai đoạn 2015 – 2020; hướng dẫn, chỉ đạo phong trào thi đua, phát động thi đua, đăng ký xây dựng mô hình, định hướng mô hình “Dân vận khéo” phải góp phần giải quyết khó khăn, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng và quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Năm 2017, các ngành đã đăng ký xây dựng 89 mô hình “Dân vận khéo”; trong đó, có 20 mô hình trên lĩnh vực kinh tế, 46 mô hình trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, 18 mô hình trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh và 05 mô hình trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị. Một số mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực:

Hội nghị tổng kết công tác dân vận, Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua "Dân vận khéo" thành phố Trà Vinh năm 2017

Nhóm mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế: Hội Nông dân phường 4 với mô hình “Chi tổ hội vững mạnh gắn với mô hình kinh tế hộ và phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, thực hiện tuyên truyền phát động với tổng số 06 cuộc có 204 lượt người tham dự với 58/85 hộ đăng ký thực hiện tại ấp Long Bình đạt 68,23%. Song song với công tác phát động thực hiện mô hình Ban Chấp hành chi hội đã phân công cụ thể từng thành viên thường xuyên theo dõi nắm tình hình nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, khắc phục khó khăn để mô hình thực hiện hiệu quả. Mặt khác chi hội đề xuất với chi bộ và hội cấp trên phối hợp với các ngành chuyên môn mở 2 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 57 lượt hộ nông dân tham dự, 2 hội viên tham quan học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất hoa dạ yến thảo và hoa chuông có hiệu quả tại tỉnh Tiền Giang. Qua thực hiện mô hình sản lượng nông nghiệp thủy sản toàn phường đạt 4.940.000.000đ/5.516.000.000đ, đạt 89,55%, so với cùng kỳ tăng 6,4%. Những mô hình trồng hoa kiểng làm ăn hiệu quả như mô hình hộ ông Trần Văn Triều, Phạm Ngọc Vĩnh, Trần Anh Tuấn, Phạm Hùng Vương và hộ ông Nguyễn Văn Nam với diện tích từ 1.000 đến 2.000m2 có mức thu nhật từ 180 - 250 triệu đồng/hộ/năm. Thông qua phong trào thi đua thực hiện mô hình điển hình sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo được việc làm ổn định cho 146 lao động tham gia thực hiện mô hình, ngoài ra còn giải quyết việc làm cho 43 lao động ngoài mô hình với mức thu nhập từ 1.500.000 đồng – 2.000.000 đồng. Với những hiệu quả của mô hình đã tạo được niền tin trong cán bộ hội viên nông dân góp phần xây dựng chi hội vững mạnh 5 năm liền. Ban Chấp hành Hội Phụ nữ phường 6 với mô hình “Hợp tác xã may mặc” được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 01/2016 có 9 thành viên; đến nay đã nhận được 03 hợp đồng với tổng số tiền 140.000.000đ, giải quyết cho 25 lao động tại chỗ, đồng thời tiếp tục đưa 25 chị em phụ nữ nghèo tham gia lớp dạy nghề nhằm tăng số lượng lao động cho hợp tác xã và giải quyết được tình trạng lao động nhàn rỗi. Hội Cựu chiến binh phường 6 với mô hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về giúp nhau làm kinh tế giỏi”, phối hợp các ngành chức năng mở 01 lớp trung cấp nghề cho 23 con em hội viên và cựu quân nhân; có nhiều hội viên vượt khó, phát huy có hiệu quả nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh vươn từ khá lên giàu, nổi bật nhất là hội viên Nguyễn Thanh Hồng-Cty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Phú Ngân, cơ sở sản xuất dây thun Mai Sơn,…, 60% hội viên mua bán vừa và nhỏ có cuộc sống ổn định. Đến nay, quỹ nội bộ hội giúp nhau phát triển kinh tế trên 133.230.000đ, quỹ góp vốn xoay vòng 144.000.000đ cho 48 hội viên vay không tính lãi, quỹ cất nhà đồng đội 2.502.000đ. Hiện hội viên không có hộ nghèo, hội nhận đỡ đầu cho 01 học sinh hàng năm với số tiền 300.000đ. Qua những thành tích đó, Hội Cựu chiến binh phường được lãnh đạo các cấp tặng 02 giấy khen tập thể, 14 cá nhân. Nhìn chung, thông qua vận động “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế, nhận thức và tư duy của Nhân dân về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, thu nhập và đời sống của người dân có nâng lên, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nghị quyết của chi bộ, Đảng bộ. Chi bộ khóm 2 phường 7 với mô hình “Góp vốn giúp đảng viên có hoàn cảnh khó khăn”, đã phát động đảng viên đóng góp 200.000đ/năm, các đảng viên trong chi bộ đã đóng góp được 28.600.000đ cho 03 đảng viên có hoàn cảnh khó khăn mượn vốn làm kinh tế gia đình, các đảng viên này đã sử dụng đồng vốn đúng mục đích làm ăn có hiệu quả đã thoát cảnh khó khăn.

Nhóm mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa – xã hội: Chi bộ ấp Phú Hòa xã Long đức với mô hình “Vận động nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân và đảng viên đóng góp hỗ trợ cho gia đình chính sách, gia đình khó khăn và học sinh nghèo hiếu học”, trong năm 2016, chi bộ đã vận động nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân và đảng viên 76 đóng góp quà tết cho hộ nghèo, cận nghèo, nhân dịp tết với 45 phần quà mỗi phần trị giá 250.000 đồng với tổng số tiền 11.250.000 đồng; được nhà hảo tâm, chùa cho 35 phần quà cho hộ nghèo với tổng trị giá 4.950.000 đồng; vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ tole lộp 01 căn nhà hộ nghèo trị giá 7 triệu đồng; vận động quà tết trung thu cho hộ nghèo 50 phần quà trị giá 5.300.000 đồng; vận động phát tập cho học sinh trên địa bàn nhân lễ khai giảng năm học mới 1.100 quyển tập trị giá  5.500.000 đồng; phát 16 bộ đồng phục cho học sinh trường Tiểu học Kim Đồng thuộc hộ nghèo 2.240.000 đồng; vận động hỗ trợ 01 đảng viên đau nặng với số tiền 5.750.000 đồng; vận động người dân và nhà hảo tâm mua gạch vụn nâng cấp tuyến lộ bờ inh 3 triệu đồng. Tổng số vận động được 44.990.000 đồng. Hội Khuyến học  phường 4 với mô hình “Vận động đỡ đầu học sinh nghèo hiếu học”, qua triển khai vận động đã được 23 doanh nghiệp, công ty, cơ sở tôn giáo và Mạnh Thường Quân nhận đỡ đầu cho 44 lượt học sinh với số tiền 34.200.000đ/năm học. Ngoài việc đỡ đầu cho học sinh nghèo, hội còn kết hợp với Ủy ban nhân dân vận động được 1.000 quyển tập của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vina Trà Vinh; vận động Quỹ tín dụng Long Bình hỗ trợ 400 quyển tập 150 trang. Hội Khuyến học phát học bổng cho học sinh trường Tiểu học phường 4 tổng cộng 23.996.000đ. Việc làm này đã tạo được niềm tin của các Mạnh Thường Quân, phong trào đỡ đầu học sinh nghèo hiếu học ngày càng phát triển bền vững, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng và đến với phong trào này là điểm tựa giúp các học sinh nghèo phấn đấu học tập đạt thành tích tốt. Hội Chữ thập đỏ phường 4 với mô hình “Nâng chất lượng mô hình mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, bằng nhiều nội dung và hình thức sáng tạo, đa dạng hội đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, kiều bào,… đến với từng địa chỉ nhân đạo đã thật sự tác động đến tình cảm, lòng nhân ái, khơi gợi và phát huy truyền thống nhân ái, nhân đạo của dân tộc, qua hình ảnh trực tiếp khi tiếp xúc đã tạo ấn tượng tốt đến các tổ chức, cá nhân, Mạnh Thường Quân. Kết quả đã vận động 16 hộ đóng góp hàng tháng hỗ trợ 18 người (già neo đơn, học sinh mồ côi) số tiền 1.400.000đ, nấu cháo bệnh viện, cho cơm chay hàng tháng,... Ngoài ra Tổ nhân ái khóm 5 còn cho 22 lượt hội viên mượn tiền mua bảo hiểm y tế tự nguyện, mua máy đo huyết áp, giúp hội viên nghèo mượn tiền nằm viện, mượn tiền phụ cất nhà tình thương,… với hình thức trả dần không tính lãi; duy trì thùng từ thiện tại số 60A đường Lý Tự Trọng. Qua thực tế hoạt động của hội đã mang lại hiệu quả tích cực, cứu trợ kịp thời, đúng đối tượng, luôn minh bạch công khai trước tập thể nên đã tạo được niềm tin mạnh mẽ trong Nhân dân. Từ đó, sự giúp đỡ của các tổ chức cá nhân, Mạnh Thường Quân ngày càng nhiều hơn, vì Hội giúp đúng người, đúng việc, hết sức kịp thời, việc làm có ý nghĩa và có tác dụng lan tỏa nhanh chóng, duy trì và phát triển bền vững. Mô hình “Tuyến đường văn minh tuyến đường Nguyễn Đáng năm 2016” của Ủy ban nhân dân phường 6, phối hợp thường xuyên với ban ngành đoàn thể phường, cùng Đội trật tự đô thị thành phố tuần tra, kiểm tra trên tuyến đường Nguyễn Đáng, giải tỏa tình trạng lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, lòng lề đường mua bán, kinh doanh. Đã kiểm tra 412 cuộc có 2.043 lượt đồng chí tham gia, qua kiểm tra lập biên bản xử phạt 21 trường hợp vi phạm lĩnh vực trật tự đô thị với số tiền 3.750.000đ. Qua đó các tổ chức, hộ gia đình dọc hai bên tuyến đường Nguyễn Đáng sắp xếp, bố trí chỗ đậu xe đúng qui định, đảm bảo có lối đi dành cho người đi bộ. Các ngày lễ, tết 100% hộ dân và cơ quan dọc tuyến đường Nguyễn Đáng treo cờ Tổ quốc đúng quy định; đồng loạt bố trí thùng chứa rác và đổ rác đúng nơi quy định. Dọc tuyến đường 100% hộ dân và cơ quan đạt chuẩn gia đình văn hóa, cơ quan văn minh, không có tụ điểm mại dâm, ma túy, cờ bạc. Chi bộ trường Lương Thế Vinh phường 6 với mô hình “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục năm 2016”, trường được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích hoàn thành xuất sắc trong thực hiện dự án VNEN giai đoạn 2013-2016; học sinh thi giải toán, tiếng Anh trên mạng 54 học sinh đạt giải từ cấp thành phố trở lên; học sinh lên lớp thẳng đạt 99,7%, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, Trường đạt tập thể lao động xuất sắc, đạt an toàn an ninh trật tự, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, Công đoàn đạt vững mạnh, Liên đội vững mạnh.

Nhóm mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh: Chi bộ Công an xã Long đức với mô hình “Vận động Nhân dân xây dựng xã an toàn về an ninh trật tự”, tuyên truyền, phát động các luật như: Luật Hình sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống ma túy, Luật Giao thông, Luật Dân sự,... được 87 cuộc có 1.869 lượt người dự; kết hợp Ban Nhân dân các ấp vận động Nhân dân đăng ký xây dựng hộ an toàn đạt 100%; đẩy mạnh công tác giáo dục, cảm hóa đối tượng vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự tại cộng đồng dân cư làm chuyển biến tích cực tình hình an ninh trật tự kéo giảm đến mức thấp nhất hoạt động của các loại tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; cùng Nhân dân xây dựng thành công cổng rào an ninh phòng chống tội phạm tại ấp Công Thiện Hùng, ấp Sa Bình và tiếp tục nhân rộng ở các tuyến đường đal khác trên địa bàn xã; phối hợp Mặt trận thường xuyên theo dõi, nắm tình hình và giải thích, xây dựng được mối quan hệ gắn bó với các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng tín đồ, đồng bào dân tộc cùng tham gia xây dựng xã an toàn về an ninh trật tự; hàng năm số lượng và chất lượng người dân cung cấp thông tin và cùng Công an xã vây bắt các đối tượng vi phạm pháp luật đều tăng, cho thấy công tác vận động quần chúng trong bảo vệ an toàn trật tự xã hội ngày càng hiệu quả. Hội Nông dân xã Long đức với mô hình “Nhà có cổng, ngõ có đèn”, năm 2016 Hội Nông dân tham mưu Đảng ủy, Ủy ban nhân dân lấy tuyến đường ấp Kinh Lớn làm điểm, đã vận động, tuyên truyền được 16 cuộc cho 1.040 lượt hộ dân dự tại ấp Kinh Lớn, qua đó đã có 65/65 hộ dân trên tuyến đường chính chỉnh trang nhà ở, làm hàng rào, treo đèn thắp sáng khi trời tối từ đó tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông kéo giảm, năm 2017 và những năm tiếp theo tiếp tục thực hiện nhận rộng mô hình ở các tuyến đường trên địa bàn ấp Huệ Sanh, Công Thiện Hùng, Hòa Hữu, Rạch Bèo, Long Đại, Sa Bình, Vĩnh Hưng với tổng chiều dài 7km. Chi bộ Công an phường 7 với mô hình “Hỗ trợ vốn cho đối tượng tái hòa nhập cộng đồng”, vận động các công ty, doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân đóng góp tài chính gây nguồn quỹ, đã vận động được 114.000.000đ (84.000.000đ tiền mặt và 02 căn nhà tình thương trị giá 15.000.000đ/căn), sau khi đi vào hoạt động đến nay câu lạc bộ đã kết hợp Công an phường tổ chức giải ngân được 4 đợt hỗ trợ vốn cho 19 đối tượng, 05 đối tượng đã được tái cấp vốn với tổng số tiền 81.000.000đ; Ban Chủ nhiệm thường xuyên tiếp xúc, thăm hỏi động viên, nắm tình hình làm ăn, đến nay các đối tượng này đều sử dụng vốn đúng mục đích và làm ăn có hiệu quả, cải thiện cuộc sống không tái phạm.

Nhóm mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: Ủy ban nhân dân xã Long đức với mô hình “Nâng cao chất lượng văn hóa công sở”, cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan xã đều nghiên cứu quán triệt sâu sắc Luật Cán bộ, công chức; Quy chế văn hóa công sở cơ quan hành chính nhà nước và nâng cao được ý thức chấp hành đúng không để vi phạm; phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn, hội viên và Nhân dân trong xã tham gia đóng góp về hoạt động của cơ quan nhà nước tại địa phương; phong cách ứng xử giao tiếp chuẩn mực trong hoạt động, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, công tác tiếp dân hạn chế đến mức thấp nhất sự phiền hà của Nhân dân, giải quyết hồ sơ hành chính và khiếu nại thực hiện đúng theo tinh thần nội dung Luật cán bộ, công chức; công tác “Dân vận khéo” gắn với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đều được thực hiện đúng theo quy định, không có trường hợp khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Chính quyền chỉ đạo triển khai và quán triệt Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, Pháp lệnh số 34 về dân chủ ở cơ sở, nhằm phát huy trí tuệ của cán bộ, công chức, tập thể người lao động, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia đóng góp trực tiếp việc thực hiện các chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội của xã, chương trình mục tiêu quốc gia, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ An sinh xã hội,… Hội Cựu chiến binh xã Long Đức với mô hình “Xây dựng hội trong sạch, vững mạnh, cựu chiến binh gương mẫu gắn với cựu chiến binh tham gia nâng chất lượng nông thôn mới ”, vận động hội viên cựu chiến binh  gương mẫu trong việc nâng chất lượng xã nông thôn mới, tham gia góp ý xây dựng chi hội ngày càng trong sạch vững mạnh, vận động hội viên tham gia các phong trào tại địa phương và kết nạp hội viên đều đạt kết quả tốt qua hằng năm.

Nhìn chung phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được cả hệ thống chính trị tham gia và tổ chức thực hiện, thực sự trở thành động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước phát triển, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân đón nhận, đồng thuận. Các mô hình “Dân vận khéo” được duy trì, phát huy hiệu quả trong đời sống cộng đồng, thể hiện được phương pháp tuyên truyền, vận động sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, có sự ổn định và giá trị nhân rộng, có sức lan tỏa mạnh, kịp thời củng cố, kiện toàn. Thông qua phong trào đa số cán bộ, đảng viên đã nâng cao năng lực, kỹ năng vận động quần chúng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thu hút nguồn lực của xã hội, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Tuy nhiên Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, thực hiện; từng thành viên Ban Chỉ đạo chưa thật sự nâng cao tinh thần trách nhiệm tích cực tham mưu, đề xuất thực hiện các mô hình và hoạt động của Ban Chỉ đạo có hiệu quả. Công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện phong trào thi đua chưa đồng bộ, chặt chẽ nên phong trào chưa mạnh; công tác sơ tổng kết còn mang tính hình thức, chưa đi vào trọng điểm; mô hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt còn ít, một số mô hình, điển hình chưa có sức thuyết phục cao để người dân học tập làm theo.

Năm 2018, thành phố Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đoàn, hội viên và Nhân dân về phong trào thi đua “Dân vận khéo”, từ đó phát huy tính năng động, sáng tạo trong thực hiện các phong trào; thường xuyên theo dõi nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, tiếp thu những ý kiến đóng góp, kinh nghiệm hay để có giải pháp thực hiện phù hợp; triển khai phát động phong trào thi đua trên 04 lĩnh vực (kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị), tập trung hướng về nâng chất lượng xã nông thôn mới, an ninh trật tự. Xây dựng, phát huy các mô hình, điển hình về an ninh quốc phòng, dân tộc, tôn giáo, từ thiện xã hội,… Vận dụng phương thức mô hình “Dân vận khéo” để tập trung giải quyết những vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân như: Cảm hóa các đối tượng xã hội, các tranh chấp trong cộng đồng dân cư, đấu tranh phòng chống các hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu quả giữa chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo". Tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, phổ biến việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05- CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Tổ chức sơ kết 2,5 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015 – 2020 cấp thành phố. Quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép các nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với công tác dân vận của chính quyền, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở sát thực tế. Nội dung thi đua phải cụ thể, sát với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Kịp thời củng cố kiện toàn, phân công thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách địa bàn khi có thay đổi; tham gia tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Ban Chỉ đạo khi có mở lớp tập huấn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mô hình, kịp thời đề xuất và giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện; tổ chức đánh giá, công nhận mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả đề xuất khen thưởng./.

                                                                                                     Bài, ảnh: Trần Minh Tuấn



Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 492
  • Trong tuần: 1 790
  • Tất cả: 233103