Công tác dân vận với chương trình xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua công tác tuyên truyền được xem là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu trong việc tổ chức, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từ Trung ương đến địa phương. Thông qua công tác tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế, các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.



Chính vì tầm quan trọng đó, trước khi thực hiện Nghị quyết Trung ương trên diện rộng, Bộ Chính trị (khóa X) đã giao Ban Bí thư (khóa X) chỉ đạo tổ chức làm thí điểm để rút kinh nghiệm.

                Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo và thông qua Đề án về Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới với mục tiêu là:

                Xây dựng mô hình thực tế về nông thôn mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Nghị quyết Trung ương đã đề ra.

                Trên cơ sở tổng kết chương trình thí điểm, xác định rõ nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới để nhân rộng sau này; chọn ra 11 xã ở 11 tỉnh, thành phố tiêu biểu cho các vùng khác nhau của cả nước để chỉ đạo làm điểm là: 1- xã Thanh Chăn (tỉnh Điện Biên); 2- xã Tân Thịnh (tỉnh Bắc Giang); 3- xã Hải Đường (tỉnh Nam Định);4- xã Gia Phố (tỉnh Hà Tĩnh); 5- xã Tam Phước (tỉnh Quảng Nam); 6- xã Tân Hội(tỉnh Lâm Đồng); 7- xã Tân Lập (tỉnh Bình Phước); 8- xã Mỹ Long Nam (tỉnh Trà Vinh); 9- xã Định Hòa (tỉnh Kiên Giang); 10- xã Thụy Hương (thành phố Hà Nội);11- xã Tân Long Hội (thành phố Hồ Chí Minh). Ở các tỉnh, thành phố có xã điểm,thành lập Ban Chỉ đạo ở các xã được chọn làm điểm, thành lập Ban quản lý chương trình. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương, Đề án nêu 5 quan điểm trong thực hiện chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới là:

                1. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng và thực hiện chương trình, các nội dung cụ thể của chương trình trên địa bàn phải được Nhân dân địa phương dân chủ bàn bạc, quyết định.

                2. Dựa vào nội lực của cộng đồng là chính với sự hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền các cấp.

                3. Phối hợp, kế thừa, phát huy kết quả của các chương trình dự án đã và đang thực hiện trên địa bàn, những cơ sở hạ tầng đã được xây dựng.

                4. Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cả hệ thống chính trị phải chung tay xây dựng nông thôn mới.

                5. Trong triển khai xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới được phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

                Quán triệt các yêu cầu nhiệm vụ nêu trên, theo báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2015 của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Trà Vinh:

                Ban Chỉ đạo tỉnh và Văn phòng Điều phối đã ban hành các văn bản tập trung vào công tác chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn,kiểm tra nhắc nhở các địa phương triển khai thực hiện chương trình, cụ thể:Chương trình công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo tỉnh; đẩy mạnh tiến độ thực hiện Quyết định 448/QĐ-TTg, ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình nông thôn mới; quyết định phân bổ vốn trái phiếu của Chính phủ nguồn vốn sự nghiệp và nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho chương trình trong năm 2015; thông báo ý kiến kết luận của đồng chí Trần Trí Dũng-Bí thư Tỉnh ủy-Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại cuộc họp sơ kết quý I/2015; ban hành thiết kế mẫu nhà văn hóa các ấp; thúc đẩy việc triển khai thực hiện Quyết định số 1996/QĐ-TTg, ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ và một số văn bản kiểm tra, giám sát khác của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh.

                Báo cáo cũng đánh giá những mặt đạt được:

                - Ban Chỉ đạo tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ tài liệu phục vụ tốt cho công tác phổ biến, tuyên truyền phát động xây dựng nông thôn mới; trong chỉ đạo thực hiện có sơ kết Chương trình hàng quý và đánh giá rút kinh nghiệm.

                - Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân các huyện, xã có chủ động chọn các công trình và giải phóng mặt bằng trước khi phân bổ kinh phí thực hiện.

                - Các tổ chức tín dụng đã chủ động cân đối nguồn vốn và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

                - Các sở, ban, ngành có xây dựng kế hoạch để hỗ trợ các xã nông thôn mới theo lĩnh vực sở, ngành phụ trách.

                - Ban Chỉ đạo các cấp kịp thời kiện toàn đi vào hoạt động đúng theo Chương trình công tác năm đã đề ra và bước đầu có hướng dẫn, đôn đốc Ban Chỉ đạo các huyện kiện toàn, thành lập Văn phòng điều phối tại cấp huyện.

                Bên cạnh những mặt đạt được,trong quá trình thực hiện Chương trình cũng tồn tại một số khó khăn như sau:

                - Việc thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng cơ chế đặc thù đối với Chương trình, đến nay đã ban hành thiết kế mẫu về giao thông; thiết kế mẫu về nhà văn hóa ấp nhưng chưa ban hành cơ chế thanh quyết toán nên địa phương chưa áp dụng thực hiện.

                - Chưa ban hành quy định chung giữa tiêu chí xã nông thôn mới và tiêu chí xã văn hóa.

                - Công tác vận động, rà soát quyết định công nhận ấp, hộ nông thôn mới còn rất chậm và chưa được thường xuyên.

                - Ban Chỉ đạo một số xã chưa đánh giá kịp thời và chính xác tiêu chí theo quy định; Ban Chỉ đạo huyện và các sở, ngành phụ trách tiêu chí chưa có sự thống nhất nên gặp khó khăn trong công tác tổng hợp báo cáo tham mưa cho Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh.

                - Tiến độ giải ngân các nguốn vốn hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình nông thôn mới còn chậm. Do nguồn vốn phân bổ thấp nên các địa phương cân nhắc lựa chọn công trình cần thiết bức xúc để đầu tư và phải xem xét cân đối nguồn vốn đối ứng.

                - Chế độ thông tin báo cáo của Ban Chỉ đạo các huyện gửi về Ban Chỉ đạo tỉnh còn hạn chế (chậm và chất lượng chưa đảm bảo).

                Mục tiêu đến cuối năm 2015:

                - Có thêm 11 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, cụ thể: xã Hòa Minh, xã Châu Điền, xã Ninh Thới, xã Kim Hòa, xã Trường Long Hòa, xã Đông Hải, xã Hiệp Thạnh, xã Tân Bình, xã Mỹ Cẩm, xã Ngọc Biên, xã Hiếu Tử, nâng tổng số có 26 xã đạt nông thôn mới.

                - Không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

                - Các xã còn lại (từ 10 tiêu chí trở lên) tăng từ 2-3 tiêu chí trở lên.

                Nhằm tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra, ngoài việc tuyên truyền thực hiện đạt 19 tiêu chí. Công tác dân vận còn nhiều việc phải làm, trước hết cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

                Một là, để tiến hành xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tạo được sự thống nhất cao về nhận thức trong Đảng, trong Nhân dân về quan điểm, nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và mỗi người dân hiểu rõ, từ đó đồng tâm, chung sức, tự giác chủ động tham gia. Chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ dựa vào đầu tư của Nhà nước, không chỉ là một dự án đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng ở nông thôn; mà cần nhận thức: Đây là chương trình phát triển kinh tế-xã hội toàn diện ở nông thôn tiến hành với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, do Nhân dân trong xã làm chủ, phát huy cao nhất nội lực, các nguồn lực xã hội với sự hỗ trợ của Nhà nước thì mới thành công bền vững.

                Hai là, xây dựng nông thôn mới nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cư dân nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn;nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

                Ba là, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ,đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn mới ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc;dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa./. 

                                                                                                    Bài, ảnh: Nguyễn Xuân Quang

Phó Trưởng Ban TT Ban Dân vận Tỉnh ủy



Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 45
  • Trong tuần: 211
  • Tất cả: 234432