Hoạt động chi, tổ hội đoàn thể ở cơ sở qua đánh giá năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2016, chương trình công tác năm 2017, Tỉnh ủy đã đánh giá hoạt động của một số đoàn thể ở cơ sở hiện nay có nhiều ưu điểm và hạn chế, yếu kém. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã rà soát, đề xuất tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên khắc phục bằng một số giải pháp cụ thể. 

Một trong những cuộc sinh hoạt tại Chi hội đoàn thể ở cơ sở

Trong chỉ đạo từng mặt hoạt động các đoàn thể thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành: Công văn 243-CV/TU, ngày 17/8/2012 “V/v phân công cán bộ đi cơ sở dự sinh hoạt định kỳ với chi, tổ hội và Ban công tác Mặt trận ấp, khóm”; Công văn 732-CV/TU, ngày 19/6/2015 về việc uốn nắn thực hiện Công văn 243 hiện nay là Quy định 784-QĐ/TU, ngày 10/5/2016 “Về việc cấp ủy, lãnh đạo Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tham dự sinh hoạt định kỳ và ngày sinh hoạt định kỳ các loại hình chi bộ, chi, tổ hội, phân hội”; Chỉ thị 26-CT/TU, ngày 30/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc nâng cao năng lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội”. Trên cơ sở đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã cụ thể hóa nội dung hướng dẫn đến Ban Dân vận huyện, thị, thành ủy phối hợp với các đoàn thể cùng cấp thực hiện đạt được những kết quả như sau:

Về mặt ưu điểm: (1) Các chi hội tổ chức, bố trí đầy đủ chi hội trưởng, chi hội phó và thư ký; trình độ cơ bản đáp ứng công tác đoàn thể; các chi hội trưởng đều là những người có kinh nghiệm trong công tác từ 5 năm trở lên, nhiệt tình với phong trào của tổ chức đoàn thể, tham gia vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện đạt hiệu quả các tiêu chí về tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp các đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế, xóa nghèo, tham gia hòa giải cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. (2) Về công tác phối hợp thực hiện phong trào địa phương, các chi, tổ hội đoàn thể phối hợp với nhau tham gia tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các phong trào của địa phương như vệ sinh môi trường, tham gia hòa giải, góp vốn giúp nhau xóa nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các phong trào thi đua yêu nước các đoàn thể phối hợp thực hiện đạt hiệu quả, gắn với cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, góp phần xoá nghèo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 

Từ những kết quả đó, vai trò các đoàn thể ngày càng được khẳng định, nhiều phong trào thi đua yêu nước, mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương; vận động đoàn viên, hội viên đẩy mạnh các phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã góp phần tăng thu nhập, xóa hộ nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm, trong hoạt động thực tế tại các chi, tổ hội đoàn thể vẫn còn một số mặt hạn chế nhất định như: (1) Các chi hội trưởng, bí thư chi đoàn phần đông đều lớn tuổi, trình độ không đồng đều, gia đình còn khó khăn; bí thư đoàn, chi hội trưởng chưa triển khai được các chỉ thị, nghị quyết ra đoàn viên, hội viên. (2) Chưa tìm ra mô hình phát triển kinh tế gia đình tại địa phương để thu hút đoàn viên, hội viên tham gia tổ chức. (3) Tổ chức sinh hoạt không đúng ngày do đoàn viên, hội viên đi làm ăn xa nhiều; người chủ trì điều hành cuộc họp còn lúng túng, trong gợi ý thảo luận chưa sâu; nội dung sinh hoạt chưa thật sự hấp dẫn và phù hợp với đoàn viên, hội viên. (4) Việc nắm bắt tình hình đoàn viên, hội viên thiếu kịp thời; quản lý đoàn viên, hội viên chưa chặt chẽ, có sổ quản lý nhưng số lượng còn chồng chéo so với số lượng đoàn viên, hội viên thực tế hiện có.

Để khắc phục những hạn chế trên, Ban Dân vận Tỉnh ủy đề xuất một số giải pháp đề nghị các đoàn thể thực hiện trong thời gian tới như sau:

Một là, các đoàn thể tỉnh xây dựng kế hoạch nâng chất lượng hoạt động chi, tổ hội chỉ đạo đoàn thể cơ sở thực hiện, có thể chọn một trong những hình thức sinh hoạt phong phú như: Tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội thi để tìm giải pháp nâng chất lượng, tổ chức tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho các chi hội trưởng, bí thư chi đoàn, chi hội phó, phó bí thư chi đoàn. 

Hai là, mỗi đoàn thể chọn một chi, tổ hội với một mô hình trong nhóm mô hình tiêu biểu của từng ngành, mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nhằm đẩy mạnh việc hỗ trợ phát triển kinh tế, quyền lợi thiết thực của đoàn viên, hội viên tăng thu nhập đào tạo nghề tại địa phương để đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt đoàn thể, định kỳ hàng quí tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, sau đó chỉ đạo nhân ra diện rộng.

Ba là, mỗi đoàn thể tỉnh chọn chi hội và chia thành 02 nhóm đoàn viên, hội viên theo từng lĩnh vực, ngành nghề: 01 nhóm đoàn viên, hội viên theo lĩnh vực nông nghiệp, 01 nhóm đoàn viên, hội viên đã chuyển sang ngành nghề khác để tổ chức đoàn thể quan tâm giới thiệu việc làm, từ đó trong quá trình tổ chức sinh hoạt chọn  hình thức, nội dung cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng mô hình kinh tế tập thể. 

Bốn là, tiếp tục chỉ đạo chi, tổ hội tổ chức sinh hoạt định kỳ theo Quy định 784-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhằm giúp cho chi, tổ trưởng nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để triển khai ra đoàn viên, hội viên, nâng chất lượng về điều hành chi hội, về quản lý đoàn viên, hội viên đạt hiệu quả. 

Bài, ảnh: Trần Ngọc Phượng


Tin khác
1 2 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 3
  • Trong tuần: 162
  • Tất cả: 234277