Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh: Những hạn chế và kinh nghiệm qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Qua 3 năm triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc triển khai tổ chức thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị (khóa XI)” Ban Dân Vận, Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể tỉnh có các văn bản chỉ đạo, quán triệt và cụ thể hóa việc thực hiện đạt một số kết quả tiêu biểu, nhưng bộc lộ một số mặt hạn chế như sau:

Thứ nhất, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh nói chung hiệu quả chưa cao, nhất là cấp huyện, cấp xã chưa thể hiện tính chủ động, chưa áp dụng đúng theo quy trình và có nơi còn mang tính hình thức; phương thức giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chưa được phát huy đúng mức; việc theo dõi, kiểm tra hậu giám sát chưa được chú trọng. 

Thứ hai, hoạt động phản biện xã hội chưa thật sự rõ nét, thiếu chiều sâu, chủ yếu thực hiện ở việc tham gia góp ý kiến vào dự thảo các văn bản của Trung ương, của tỉnh khi được gửi lấy ý kiến; một số dự thảo văn bản gửi lấy ý kiến còn mang tính hình thức.

Thứ ba, việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn một số giải pháp quy định các cấp, các ngành triển khai chưa đồng bộ, chậm so với yêu cầu thực tế. 

Thứ tư, công tác nắm bắt, tập hợp tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân để báo cáo, tham mưu với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp, với cấp ủy, chính quyền cùng cấp từng lúc chưa kịp thời. Việc mở rộng các hình thức tập hợp ý kiến Nhân dân trong góp ý xây dựng chính sách, pháp luật còn hạn chế, chưa phát huy đúng mức vai trò của các thành viên Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn, cộng tác viên tư vấn, lực lượng cốt cán, người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo trong việc tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng các văn bản, chủ trương chính sách và các đề án, dự án của tỉnh, của địa phương, cơ sở. 

Những hạn chế trên là do :

- Nội dung đối tượng, phạm vi giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị khá rộng, trong khi đó đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh nói chung, cấp cơ sở nói riêng còn ít; trình độ, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn còn hạn chế. Công tác giám sát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động thành lập đoàn giám sát là một trong những nhiệm vụ mới, vì vậy trong quá trình thực hiện còn vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Mặt khác, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính xã hội nên đòi hỏi phải đi sâu vào thực tiễn, do vậy thường mất nhiều thời gian trong khi đó thời gian qua chưa có quy định hướng dẫn về cơ chế chính sách, nhất là sử dụng kinh phí cho hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên việc triển khai thực hiện còn gặp không ít khó khăn. Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở thiếu mạnh dạn trong việc thực hiện công tác giám sát ở địa phương.

- Công tác phản biện xã hội là một chức năng mới và tương đối phức tạp, đòi hỏi người tham gia phản biện xã hội phải có tầm nhìn, am hiểu sâu về những vấn đề có liên quan đến các lĩnh vực, các dự thảo văn bản cần phản biện nên việc huy động các đối tượng này tham gia thực hiện công tác phản biện xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức thời gian qua có phần hạn chế, từ đó chất lượng các cuộc phản biện chưa cao. Bên cạnh đó, theo quy định, công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ thực hiện “khi được yêu cầu” nên Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng chưa chủ động được việc chọn nội dung trong thực hiện công tác này, thậm chí khi Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có văn bản yêu cầu các cơ quan có liên quan phối hợp gửi danh mục các văn bản dự thảo cần thực hiện phản biện xã hội cũng chưa được nhiều cơ quan tích cực hỗ trợ thông tin phản hồi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có cơ sở chọn lọc những nội dung cần thiết và phù hợp để tổ chức hội nghị phản biện. Mặt khác, một số dự thảo luật, văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của tỉnh khi gửi lấy ý kiến đóng góp thời gian gấp rút, không đảm bảo cho việc tổ chức hội nghị phản biện hoặc sự tập trung trong việc góp ý nên chất lượng của các ý kiến đóng góp chưa cao, thiếu chuyên sâu.

- Theo phương pháp góp ý định kỳ trong“Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” (ban hành kèm theo Quyết định 4242-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy), Ban công tác Mặt trận ấp, khóm sẽ cùng chi ủy chi bộ có ý kiến nhận xét đối với cán bộ, đảng viên đang công tác ở địa phương hoặc cư trú tại khu dân cư nhưng công tác ở nơi khác (đảng viên sinh hoạt theo Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị) mỗi năm một lần trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên (hoàn thành trước 18/11 hàng năm) nhưng trong thực tiễn hiện nay, việc góp ý được áp dụng thực hiện theo quy định của Đảng, do đó chỉ có chi bộ (thường là Bí thư hoặc Phó Bí thư) mới là nơi (người) nhận xét, đánh giá trong khi Ban công tác Mặt trận ấp, khóm (hoặc Trưởng Ban) không phối hợp thực hiện được chức năng nhiệm vụ này.

- Một số cấp ủy, chính quyền và cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, chức năng giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, xem đây là việc đi tìm sai, sót để góp ý, phê bình dẫn đến việc phối hợp giữa khách thể và chủ thể chưa tốt, thậm chí có nơi còn xảy ra tình trạng tránh né hoặc xem nhẹ vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là những kiến nghị khắc phục, xử lý sau giám sát. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các đoàn thể chính trị - xã hội với Mặt trận Tổ quốc từng cấp chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, chưa có sự thống nhất hoặc chậm trễ trong việc chọn nội dung để xin chủ trương cấp ủy cùng cấp trong thực hiện công tác giám sát. Qua kết quả cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:

Thứ nhất, nơi nào Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện, Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy thì nơi đó công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội nói riêng được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tích cực tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo và đồng thuận của cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ của chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan; đồng thời tự nâng cao năng lực, nghiệp vụ và tăng cường phát huy vai trò của các Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốcViệt Nam các cấp, chuyên gia trên các lĩnh vực và đội ngũ làm công tác tư vấn trong triển khai thực hiện công tác giám sát ở từng cấp, từng địa phương.

Thứ ba, trong xây dựng kế hoạch hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần lựa chọn những nội dung giám sát theo các lĩnh vực mà người dân và xã hội đang quan tâm, phù hợp với điều kiện và năng lực thực tiễn của địa phương để tham mưu với cấp ủy cho chủ trương thực hiện. Đặc biệt là trong tổ chức thực hiện phải bám sát các văn bản quy định, hướng dẫn. Các ý kiến, kiến nghị phải được chắt lọc, giải pháp đưa ra phải đảm bảo hiệu quả, có tính khả thi. Bên cạnh đó, phải quan tâm tiếp tục theo dõi, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các đơn vị sau giám sát, phản biện, góp ý của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.

Thứ tư, thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; lắng nghe các vấn đề mà các tầng lớp Nhân dân quan tâm, phản ánh thông qua Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ở từng cấp; phát huy chức năng, hiệu quả Giám sát của Nhân dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở.

Thứ năm, định kỳ tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện để kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc, qua đó đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của từng địa phương.

Tin: Võ Thành Long

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 451
  • Trong tuần: 1 749
  • Tất cả: 233062