Cách làm sáng tạo từ các "mô hình" của đoàn thể xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần
Tân Hùng là xã vùng nông thôn thuộc huyện Tiểu Cần, Nhân dân trong xã sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư; tình hình an ninh trật tự xã hội ổn định; hệ thống chính trị được xây dựng theo hướng trong sạch vững mạnh. Nhìn chung đời sống Nhân dân được cải thiện và nâng cao nhiều mặt; xã có 9 ấp, tổng số dân là 2.368 hộ, với 8.816 nhân khẩu, dân tộc Khmer có 982 hộ với 3.650 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 41,50% so với tổng số dân; có 5 đoàn thể chính trị và 03 hội quần chúng với 61 chi hội, 288 tổ hội; tổng số đoàn viên, hội viên là 5.851 (trong đó, Phụ nữ: 1.574, Nông dân: 1.045, Đoàn thanh niên: 131, Cựu chiến binh: 291, Chữ thập đỏ: 653, Người cao tuổi: 789, Khuyến học: 1.367), chiếm tỷ lệ 89,29% so với tổng số dân trong độ tuổi tập hợp; tổng số đoàn viên, hội viên nghèo là 83, chiếm tỷ lệ 3,5% so với tổng số đoàn viên, hội viên của đoàn thể xã.

Buổi sinh hoạt trao đổi về mô hình của Chi hội Phụ nữ ấp Te Te 1-xã Tân Hùng

Những năm qua thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” Ban Thường vụ Đảng ủy quán triệt tinh thần chỉ đạo của Huyện ủy và ngành đoàn thể cấp trên đồng thời tập trung chỉ đạo nâng chất lượng các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội từ xã đến ấp. Những mô hình “Dân vận khéo” để đoàn viên, hội viên tham gia thoát nghèo phát triển kinh tế gia đình; mô hình đền ơn đáp nghĩa; mô hình tham gia xây dựng nông thôn mới đó là:

Mô hình “sinh hoạt định kỳ”, Ban Thường vụ Đảng ủy xã chỉ đạo hội nghị giao ban hàng quý với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội xã, tại hội nghị có lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội xã, Phó Bí thư chi bộ phụ trách khối vận các ấp dự để nghe đánh giá tình hình hoạt động vừa qua, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra hướng hoạt động thời gian tới, từ đó nắm tình hình Nhân dân chặt chẽ hơn, và nhân rộng các mô hình giúp các chi hội yếu rút kinh nghiệm khắc phục, cho thấy Đảng bộ có sự quan tâm tập trung nguồn nhân lực cho Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể từ xã đến ấp được kiện toàn, củng cố. Từ khi có Quy định 784 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Dân vận Huyện ủy Tiểu Cần, Khối vận xã đã xây dựng Kế hoạch số 15-KH/KH, ngày 15/2/2017 về họp giao ban nâng chất lượng sinh hoạt các chi, tổ hội và đoàn viên, hội viên triển khai đến các ngành đoàn thể xã thực hiện; các ngành đoàn thể xã xây dựng kế hoạch riêng từng ngành và chọn chi hội làm điểm và đại diện để nâng chất lượng; từ đầu năm đến nay đã tổ chức hội nghị xoay vòng tại 4 chi hội (Chi hội Phụ nữ ấp Te Te 1, chi hội Nông dân ấp Nhì, Chi hội Cựu Chiến binh ấp Sáu và Chi đoàn ấp Trà Mềm). 

Mô hình hợp tác xã nông nghiệp ấp Rạch lọp là mô hình “Dân vận khéo” về chi, tổ hội lồng ghép vào các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã, việc huy động đoàn viên, hội viên tham gia vào hợp tác xã được 502 thành viên, trong đó có 140 đảng viên còn lại là đoàn viên, hội viên là được sự đồng thuận và thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị về tính ổn định của hợp tác xã, đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, hội viên khi tham gia làm thành viên hợp tác xã, chính vì vậy thu hút số lượng đoàn viên, hội viên ngày càng nhiều; từ đó giúp cho hợp tác xã sản xuất ngày càng đạt hiệu quả, giải quyết được đầu vào và lo được đầu ra sản phẩm do hợp tác xã sản xuất. Để thành lập được mô hình Hợp Tác xã ấp Rạch Lọp là do cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, các đoàn thể nhiệt tình tâm huyết, được tập huấn của các ngành chuyên môn xác định mục tiêu hợp tác xã và quyền lợi của người tham gia. Ban Điều hành hợp tác xã đã phối hợp với Ban Nhân dân ấp vận động từng hộ dân trên 9 ấp, vận động vào ngày rằm, 30 hàng tháng tại 02 chùa trên địa bàn xã, Ban Quản trị chùa cũng tạo điều kiện giúp đỡ, từ đó Hợp tác xã được thành lập vào ngày 22/12/2016 với 412 thành viên, đến nay tổng số thành viên hiện nay là 502 thành viên. Hiện nay, Hợp tác xã đã ký hợp đồng tìm đầu ra cho lúa tại địa phương khoảng 200 tấn, giúp cho nông dân thu lợi nhuận, ngoài ra Hợp tác xã hợp tác các đoàn thể thực hiện “Quầy rau sạch” và phối hợp với Hội Cựu chiến binh thực hiện mô hình “Nuôi vịt sạch” sẽ triển khai thực hiện với các đoàn thể trên địa bàn. Đây là mô hình có thể nhân rộng trong các đoàn thể toàn tỉnh.

Mô hình “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng” Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vận động trong Ban chấp hành thành lập mô hình “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng” gồm có 15 thành viên. Mục đích của mô hình là nhằm để thăm hỏi, chia sẻ những mất mát đau thương vì sự nghiệp trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, với hình thức là đóng góp 50.000đ/tháng/thành viên để tạo nguồn quỹ để phụng dưỡng Mẹ, tính đến nay nguồn vốn đóng góp được 12.000.000đ, mỗi tháng Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức thăm và tặng quà cho Mẹ là 500.000đ. 

Mô hình “Phụ nữ quản lý, giáo dục, người thân trong gia đình không phạm tội và không tệ nạn xã hội”. Ban Chấp hành Hội phối hợp tuyên truyền, phát động; thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và không tệ nạn xã hội”; Câu lạc bộ gồm có 28 thành viên, có 01 chủ nhiệm, 01 phó chủ nhiệm và 01 thư ký, còn lại là thành viên. Tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; nêu cao tinh thần, ý thức cảnh giác phòng chống các loại tội phạm; cộng đồng trách nhiệm trong quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật và không tham gia các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng gia đình văn hóa, gia đình đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự. 

Mô hình “Thu gom rác thải” tại ấp Te Te 1 có 25 chị tham gia vẫn được duy trì và hoạt động có hiệu quả. Hội viên cùng nhau vận động từng hộ gia đình vệ sinh, thu gom rác trước cổng, trong nhà, ngoài ngõ, hàng tuần có 2 ngày để thu gom (có thể nhiều hơn), số rác gom được các chị tự phân loại và xử lý. Đối với các loại có thể tái chế, thì giữ lại và mỗi tháng đem bán 1 lần, tính trong năm số tiền tổ thu được từ việc bán rác thải 1.170.000đ, hội viên trong tổ thống nhất lấy số tiền này hỗ trợ cho 4 gia đình neo đơn có hoàn cảnh khó khăn. 

Đối với Chi hội Cựu chiến binh có mô hình “Tập thể hùn vốn mua sắm đồ trang trí nội thất và phát triển kinh tế gia đình” của ấp 6. Chi hội có 18/22 hội viên tham gia góp 1.000.000 đồng/tháng/người, tổng số vốn là 18 triệu đồng/tháng giúp cho 01 hội viên cận nghèo mượn không tính lãi để mua sắm vật dụng gia đình và phát triển kinh tế.

Mô hình “Xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp” 

Phương thức thực hiện: Ban Chấp hành Hội Nông dân xã khảo sát lập danh sách những hội viên có cùng ngành nghề, sắp xếp tổ từ 15 đến 25 hội viên, đến nay thành lập được 18 tổ hội nghề nghiệp có 305 hội viên tham gia; chọn những tổ trưởng là nông dân sản xuất giỏi, có kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi làm tổ trưởng, đặt tên cho tổ rồi báo cáo về Ban Chấp hành Hội Nông dân xã; thời gian tổ chức sinh hoạt tổ từ ngày 26 đến 30 hàng tháng, tùy vào tình hình sản xuất có khi sinh hoạt vào buổi tối; hội viên tham gia sinh hoạt được trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh đúng sở trường, ngành nghề của mình, đúng nguyện vọng của hội viên. Từ khi thành lập tổ nghề nghiệp hoạt động của tổ thuận lợi hơn, sinh hoạt thường xuyên hơn, thu hút hội viên tham gia tổ nhiều hơn; đây là mô hình hoạt động có hiệu quả đáng được nhân rộng.

Qua thực tế xây dựng các mô hình có tính sáng tạo trên, có thể rút ra những kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, có sự lãnh đạo tập trung của Ban Thường vụ Đảng ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quyết liệt của các đoàn thể, cấp ủy có kiểm tra đôn đốc nhắc nhở, đoàn thể có nâng chất lượng, rút kinh nghiệm qua từng phong trào, từng quý để nhân rộng, từ đó phong trào mang lại hiệu quả. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy đảng nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn của địa phương, chi bộ cơ sở chỉ đạo đảng viên phối hợp với người có uy tín trong đồng bào dân tộc, người có đạo cùng tuyên truyền vận động để thực hiện phong trào, nhất là mô hình vận động vào Hợp tác xã. 

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội cao, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Cụ thể việc đoàn viên, hội viên tham gia vào hợp tác xã ngày càng nhiều hơn (có 400 đoàn viên, hội viên tham gia), đoàn viên, hội viên còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, cấp ủy có chỉ đạo cán bộ đoàn thể tăng cường đi cơ sở thường xuyên để dự các cuộc hội nghị và tại các cuộc hội nghị giao ban quý để nghe báo cáo tình hình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội nhằm rút kinh nghiệm đánh giá, từ đó cấp ủy có hướng chỉ đạo thời gian tới. Chú trọng sơ kết, tổng kết các phong trào, các cuộc vận động, kịp thời tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước bổ sung chủ trương, chính sách về công tác vận động Nhân dân, xây dựng và phát huy vai trò những người tiêu biểu trong cộng đồng dân cư.

Qua nghiên cứu mô hình tại xã Tân Hùng cho thấy rằng muốn đạt kết quả tốt hơn để nhân rộng, đồng thời làm điểm chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh nhân rộng trong toàn tỉnh, đề xuất Tỉnh ủy hướng tới chỉ đạo hệ thống chính trị quan tâm lĩnh vực xây dựng tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, như sau:

Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động phong trào thi đua của đoàn thể cấp trên gắn với mô hình “Dân vận khéo” nhất là nhóm mô hình “Xây dựng chi, tổ hội lồng ghép vào các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã” theo tinh thần Kế hoạch số 06-KH/BCĐ, ngày 14/8/2015 của Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và Phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, từng ngành xây dựng kế hoạch nâng chất lượng hiệu quả và có tính sáng tạo từng mô hình, bám vào Kế hoạch số 20-KH/BDVTU, ngày 17/4/2017 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về “Nâng chất lượng hoạt động của các chi, tổ hội đoàn thể cơ sở”.

  Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nghiên cứu những mô hình tại xã Tân Hùng, nhất là mô hình Hợp tác xã nông nghiệp ấp Rạch Lọp để chỉ đạo ngành mình học tập thực hiện và có sơ kết, đánh giá nhân rộng; phân công cán bộ đi dự sinh hoạt cơ sở và chọn 01 mô hình chi, tổ hội làm điểm để chỉ đạo.

Đối với Hội Nông dân tỉnh tăng cường cán bộ phụ trách địa bàn chỉ đạo Hội Nông dân huyện, xã đến Chi hội Nông dân ấp Phụng Sa để giúp Chi hội củng cố tổ chức, nâng chất lượng sinh hoạt, chọn mô hình phù hợp để hội viên Nông dân thực hiện; nắm lại số lượng hội viên và hoàn cảnh để có biện pháp giúp đỡ. Đối với Đoàn thanh niên tỉnh tăng cường cán bộ phụ trách địa bàn đến các chi đoàn để giúp chi hội củng cố tổ chức, nhất là đối với xã Đoàn chọn 01 chi đoàn, chọn mô hình làm điểm phù hợp với tình hình địa phương để nâng chất lượng hoạt động, đối với Hội Phụ nữ tỉnh tăng cường cán bộ xuống chỉ đạo địa bàn hỗ trợ chi hội xây dựng mô hình “Giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm” và mô hình “Giúp phụ nữ thoát nghèo”. 

Các mô hình của xã tân hùng thể hiện cách làm hay, các mô hình mang tính sáng tạo trong vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia vào tổ chức, tạo phong trào phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đoàn thể trong tỉnh nghiên cứu vận dụng để thực hiện cho địa phương, đoàn thể mình đạt hiệu quả và có tính lan tỏa hơn.         

                                                                                                     Bài, ảnh: Võ Thành Long


Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 25
  • Trong tuần: 215
  • Tất cả: 234489